(kontumtv.vn) – Để chính sách xóa bỏ sự khác biệt giữa văn bản với thực thi cần phải thay đổi được tư duy hành động của đội ngũ cán bộ công chức.
Với hàng loạt các chính sách, hành động quyết liệt cùng tư duy đột phá nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam năm 2016 đã có những bước tiến lớn. Lần đầu tiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam được ghi nhận có sự cải thiện mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới.
Một trong những hành động thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh năm nay có thể kể đến là lần thứ 3, Chính phủ nâng cấp Nghị quyết 19 về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết 19 năm 2016 đề ra với nhiều mục tiêu đột phá như phấn đấu đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận định, niềm tin vào môi trường kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã trở lại. |
Tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Với quyết tâm cao từ Chính phủ, sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, hàng nghìn thủ tục hành chính được cắt bỏ; hàng nghìn điều kiện kinh doanh, giấy phép con quy định tại các thông tư được bãi bỏ… tạo niềm tin cho khu vực doanh nghiệp. Năm 2016, lần đầu tiên, số doanh nghiệp thành lập mới tại Việt Nam đạt cao kỷ lục với 110.100 doanh nghiệp thành lập mới.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Chính phủ đã bắt đầu một chương trình hành động rất thiết thực để hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp.
“Với những hoạt động tích cực của Chính phủ, niềm tin của người dân và doanh nghiệp về môi trường đầu tư, kinh doanh đang được phát động. 2016 là năm đầu tiên các chỉ số xếp hạng về môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và của Diễn đàn kinh tế Thế giới đều tăng bậc. Quan trọng nhất là niềm tin vào môi trường kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đã trở lại và hăng hái đầu tư vào sản xuất kinh doanh”, ông Lộc cho biết.
Trong bảng xếp hạng “Thúc đẩy thương mại xuyên biên giới 2016” Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố mới đây, môi trường thương mại của Việt Nam được đánh giá tăng 14 bậc lên vị trí thứ 73/136 nền kinh tế được đánh giá. Còn theo Báo cáo Chỉ số thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng thế giới công bố vào cuối tháng 10/2016, môi trường kinh doanh của Việt Nam được ghi nhận có sự cải thiện mạnh mẽ nhất từ năm 2007 đến nay, tăng 9 bậc (từ vị trí 91/189 lên vị trí 82/190 của bảng xếp hạng).
Ông Sebastian Erkardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định: Việt Nam đã có những bước đi vững vàng, đã nỗ lực thay đổi chính sách, tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh và có những vùng kinh tế phát triển vững bền.
“Lộ trình phát triển kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua đã khẳng định vị thế của Việt Nam trên thương trường quốc tế, mở ra nhiều cơ hội cũng như nhiều thử thách. Với kế hoạch hành động cụ thể từ chính phủ Việt Nam để cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài hiện tại và trong những năm tới”, ông Sebastian Erkardt nhận định.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, nhất là ở bộ phận thực thi trực tiếp. Trong năm 2016, có hơn 60.600 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và chờ giải thể. Việc quản lý, kiểm tra chuyên ngành và các thủ tục hành chính còn rườm rà, gây mất thời gian và làm tăng khoản phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, việc công bố hợp chuẩn, hợp quy vừa mất thời gian và chi phí xã hội, vừa kéo dài và làm mất cơ hội cạnh tranh với các nước đối thủ xuất khẩu.
“Doanh nghiệp nhập các nguyên liệu phải ghi nhãn phụ, số công bố hợp chuẩn, hợp quy trong quá trình sản xuất hiện nay trong nhiều trường hợp hoàn toàn không thực hiện được. Nếu cứng nhắc phải thực hiện bằng được doanh nghiệp sẽ mất cơ hội đơn hàng vì các thủ tục mất rất nhiều thời gian”, ông Nam nói.
Dù môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi khá tốt, song so với khu vực ASEAN vẫn còn khoảng cách khá lớn, và so với mong muốn của doanh nghiệp lại càng xa.
Nhiều ý kiến cho rằng, những cải thiện môi trường kinh doanh đã cho thấy một thông điệp đủ mạnh, định hướng rõ ràng. Trong đó, dự án cơ chế kết nối một cửa quốc gia có 10 Bộ kết nối với 31 thủ tục, trên 90.000 bộ hồ sơ và 60.000 doanh nghiệp tham gia đã thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, phấn đấu đạt được mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khuyến nghị: Chính phủ cần quan tâm cải thiện toàn diện các lĩnh vực của môi trường kinh doanh, đặc biệt trên cả 10 chỉ số, không phải chỉ tập trung vào một số vấn đề đơn lẻ như thời gian vừa qua.
“Chính sách không chỉ tập trung cải thiện giao dịch thương mại qua biên giới hay khởi sự kinh doanh mà cần mở rộng ra đối với các chỉ số khác. Tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh phải làm với tốc độ nhanh hơn và mạnh mẽ hơn để không chỉ đuổi kịp với tốc độ thay đổi của các quốc gia mà còn vượt ra các quốc gia trong khu vực. Khi đó, khả năng đạt được mức trung bình của ASEAN 4 mới khả thi”, bà Thảo chỉ rõ.
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là nhiệm vụ dài hạn. Những quyết tâm ở cấp Trung ương nếu không được lan tỏa tới tất cả các cấp địa phương thì chỉ nằm trên giấy. Do vậy, để chính sách vào cuộc sống, xóa bỏ sự khác biệt giữa văn bản với thực thi thì cần phải thay đổi được tư duy hành động của đội ngũ cán bộ công chức.
Chính phủ giữ vai trò phục vụ, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp phải là mục đích tối thượng của nhà nước và mọi công chức. Môi trường kinh doanh Việt Nam chỉ có thể sánh ngang với các nền kinh tế đi trước trong khu vực ASEAN khi từng công chức Việt Nam thực sự tham gia cuộc đua này./.