(kontumtv.vn) – Các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn phát triển thành công luôn phải ưu tiên đặt việc xây dựng và phát triển thương hiệu lên hàng đầu.

“Thương hiệu giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn, phân biệt các sản phẩm khác nhau. Thương hiệu càng tạo được dấu ấn trong lòng khách hàng thì hiệu quả kinh doanh càng cao. Xây dựng thương hiệu luôn là vấn đề hàng đầu được đặt ra cho doanh nghiệp, nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu”.

Nhận định được đưa ra tại Hội thảo “Đi tìm phương pháp xây dựng và phát triển thương hiệu cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phù hợp với bối cảnh cạnh tranh thực tế” diễn ra sáng 12/4, trong khuôn khổ Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 28 – VIETNAM EXPO 2018.

Tại hội thảo, ý kiến của một số chuyên gia tư vấn chiến lược cho rằng, thương hiệu không đơn thuần là cái tên mà còn chứa đựng nhiều thông điệp, ý nghĩa mà mỗi doanh nghiệp muốn gửi đến cho khách hàng.

chien luoc xay dung thuong hieu khong chi cua cac doanh nghiep lon hinh 1
Ông Phạm Tùng, Giám đốc sáng tạo Forest Jump Creative Studio nhìn nhận, thương hiệu tốt tác động tới quyết định mua sản phẩm của NTD.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa có ý thức xây dựng thương hiệu, việc xây dựng thương hiệu là quá trình tốn kém và chỉ phù hợp cho những doanh nghiệp lớn “mạnh gạo, bạo tiền”. Điều này dẫn đến nhiều hạn chế trong cạnh tranh. Đã có nhiều người Việt quay lưng lại với các sản phẩm của chính doanh nghiệp trong nước, ưu tiên hơn cho các sản phẩm có thương hiệu nước ngoài, mặc dù sản phẩm cùng loại không có sự khác biệt về chất lượng, chỉ khác nhau về giá.

Theo bà Đặng Thanh Vân, Giám đốc điều hành Công ty Thanhs, một số người cho rằng thương hiệu đơn giản bao gồm một vài yếu tố như màu sắc, font chữ, logo, slogan… Nhưng trên thực tế, thương hiệu là tất cả những gì có trong đầu của khách hàng hiện tại và tiềm năng, khi họ nghĩ đến một công ty, sản phẩm hoặc một cá nhân. Chiến lược thương hiệu được định nghĩa là toàn bộ quy trình, công cụ và phương pháp biến một sản phẩm, dịch vụ, hay một tên gọi (của tổ chức) trở thành một “dấu ấn” độc quyền, khác biệt, cảm xúc trong tâm trí khách hàng và công chúng.

“Thương hiệu giúp người tiêu dùng trung thành lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp trước sự đa dạng của sản phẩm như hiện nay. Chính vì vậy, việc xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ dành cho các công ty lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa muốn phát triển thành công thì phải đặt việc phát triển thương hiệu lên ưu tiên hàng đầu” bà Vân khuyến cáo.

Đồng quan điểm này, ông Trần Anh Tuấn phụ trách lĩnh vực thiết kế và phát triển sản phẩm Công ty MesLab cho rằng, một thương hiệu có ấn tượng, uy tín với khách hàng là thương hiệu phải lấy khách hàng làm trung tâm. Phải nắm bắt được nhu cầu của khách hàng, chi phí của khách hàng ở mức nào… từ đó mới đưa ra được sản phẩm cũng như dịch vụ phù hợp.

“Khi người ta nói đến việc phát triển sản phẩm thường nói đến sự cải tiến theo những quy trình tương đối giống nhau. Những quy trình này giúp các nhà làm thương hiệu giải quyết được nhiều vấn đề trong tương tác, đẩy tư duy làm thương hiệu có nhiều sáng tạo. Tuy nhiên, người làm thương hiệu không nên nghĩ sản phẩm mới, thương hiệu mới phải hoành tráng, phức tạp… nhiều khi thương hiệu vẫn thành công từ những thứ rất nhỏ, đơn giản nhưng lại được thị trường chấp nhận”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, khi xây dựng thương hiệu về một sản phẩm và dịch vụ muốn phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng, doanh nghiệp cần có tư duy thiết kế sản phẩm. Mỗi khi tung ra một sản phẩm hoặc cung cấp giải pháp nào đấy cho thị trường, giải pháp đó sẽ hợp lý khi có 3 yếu tố: Khách hàng phải có nhu cầu, năng lực của doanh nghiệp có làm được sản phẩm đó không và sản phẩm phải có chi phí hợp lý.

Một sản phẩm hay dịch vụ đưa ra thị trường, ông Tuấn cho rằng, muốn chào mời được khách hàng theo một cách giản lược cần đi theo 5 bước: Đồng cảm đặt mình vào khách hàng, đặt khách hàng vào trung tâm; xác lập, khoanh vùng đối tượng khách hàng; có ý tưởng tối ưu nhất để tìm phương án khả thi; lắng nghe phản hồi từ khách hàng; thử nghiệm và sửa theo ý muốn thay đổi liên tục của khách hàng và quan trọng phải luôn lạc quan với sản phẩm của mình.

Ông Phạm Tùng, Giám đốc sáng tạo Công ty Forest Jump Creative Studio, doanh nghiệp chuyên về thiết kế thương hiệu cho biết, việc nhận diện thương hiệu không chỉ đơn thuần là hình ảnh logo mà mở rộng ra cả hệ thống âm thanh, hệ thống biển bảng, hệ thống bán hàng, hệ thống đối ngoại của thương hiệu…

“Khi có bộ nhận diện thương hiệu chuyên nghiệp sẽ mang lại tâm lý tự tin cho doanh nghiệp, sản phẩm dễ gây ấn tượng với đối tác, khách hàng từ đó tiết kiệm chi phí của doanh nghiệp thông qua việc tối ưu bộ nhận diện thương hiệu. Thương hiệu tốt tác động tới quyết định mua sản phẩm của khách hàng; tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm của doanh nghiệp”, ông Tùng chia sẻ.

Theo khuyến cáo của ông Tùng, nao bì sản phẩm có thiết kế chuyên nghiệp là yếu tố quan trong quyết định sức mua của thị trường. Cùng với đó cũng cần hết sức lưu ý đến vấn đề bảo vệ thương hiệu, bằng việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, mua tên miền website tránh sự copy của đối thủ./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *