(kontumtv.vn) – Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị nếu xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, có thể tạm dừng mua sắm ô tô công, tài sản có giá trị lớn…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách Nhà nước năm 2016, trong đó Thủ tướng yêu cầu nếu xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải chủ động giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện một số khoản chi chưa thực sự cấp thiết trong dự toán được giao như: mua sắm ô tô công, tài sản có giá trị lớn…

chinh phu yeu cau dung sam xe cong neu ngan sach hut thu hinh 0

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định. Tổ chức điều hành chi NSNN theo nguyên tắc điều hành ngân sách chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện công khai minh bạch hơn tình hình sử dụng ngân sách ở các cấp ngân sách, các đơn vị thụ hưởng ngân sách; triển khai cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan nhà nước và toàn xã hội.

Quản lý chặt chẽ, trước mắt điều hành sử dụng trong phạm vi 50% nguồn dự phòng ngân sách trung ương đã bố trí trong dự toán để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh như: phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, quốc phòng, an ninh…; tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng ngân sách trung ương để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách trung ương giảm lớn.

Các địa phương chủ động sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh… và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định. Trường hợp dự kiến thu ngân sách địa phương (không kể thu tiền sử dụng đất) giảm so với dự toán, các địa phương trước mắt tạm giữ lại 50% nguồn dự phòng ngân sách để chủ động xử lý khi nguồn thu ngân sách địa phương giảm lớn.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, nếu xảy ra thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách các cấp, phải chủ động giãn tiến độ hoặc tạm dừng thực hiện một số khoản chi chưa thực sự cấp thiết trong dự toán được giao (như: mua sắm ô tô công, tài sản có giá trị lớn chưa thực sự cần thiết,….); đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng, đặc biệt là chế độ, chính sách cho con người; trường hợp khó khăn phải kịp thời báo cáo cấp trên để xem xét xử lý.

Ngân sách trung ương chỉ xem xét hỗ trợ hoặc tạm ứng kinh phí cho địa phương trong trường hợp thực sự cấp bách, vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương và địa phương đã sử dụng hết 50% dự phòng ngân sách của mình cho bù giảm thu…/.

Xuân Thân/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *