Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định như vậy tại Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12 sáng 12/11.

Sáng nay (12/11), tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, VCCI phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bộ Phát triển Quốc tế Anh tại Việt Nam tổ chức Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 12 giữa Chính phủ Việt Nam với cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển quốc tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và có bài phát triển quan trọng tại phiên đối thoại.

Trước Hội nghị đối thoại này, trong tháng 10/2013, các cơ quan đồng chủ trì đã tổ chức 3 Hội thảo khu vực tại Đà Nẵng, TP HCM và Hà Nội về “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, thúc đẩy thực hiện liêm chính trong kinh doanh tại Việt Nam” với sự tham gia tích cực của đại diện nhiều tập đoàn, công ty đa quốc gia, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đại diện các Đại sứ quán, Cơ quan ngoại giao, Tổ chức Quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp…

Tại mỗi cuộc hội thảo, các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế đã trình bày nhiều tham luận, giới thiệu các kết quả nghiên cứu và những kinh nghiệm thành công trong thực hiện quy tắc Tuân thủ và Liêm chính trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các báo cáo và quá trình thảo luận đã phác họa nhiều khía cạnh của thực trạng tham nhũng, hối lộ, gian lận trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam; đã phân tích nguyên nhân, đưa ra khuyến nghị, giải pháp khắc phục vấn nạn đó. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, vấn đề tham nhũng, hối lộ trong hoạt động của doanh nghiệp được các cơ quan của Chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp cùng thảo luận với nhiều góc nhìn và quy mô rộng rãi như vậy.

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ của quan trọng

Phát biểu tại cuộc đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO từ năm 2006 và hiện nay đang tích cực đàm phán tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP) và nhiều Hiệp định thương mại tự do khác. Chính vì vậy, Việt Nam nhận thức rõ ràng rằng, phòng, chống tham nhũng không chỉ là nhiệm vụ của Việt Nam, mà còn là yêu cầu của các nhà tài trợ và là một nội dung quan trọng trong các khuôn khổ hợp tác kinh tế đa phương.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên đối thoại

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã dành sự quan tâm lớn cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nhận thức rõ đây là nhiệm vụ quan trọng, nặng nề, có tính quyết định tới sự phát triển chung của đất nước, năm 2012, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng, theo đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được thành lập do đồng chí Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương đảng làm Trưởng ban. Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều thể chế về Phòng chống tham nhũng.

Pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam tập trung chủ yếu vào các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan công quyền, các đơn vị cung cấp dịch vụ công; lực lượng vũ trang và những người có trách nhiệm quản lý phần vốn, tài sản của Nhà nước tại các doanh nghiệp. Các quy định về “tham nhũng trong khu vực tư” ít được đề cập.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chúng tôi luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó cộng đồng doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh việc các cơ quan đồng chủ trì đã lựa chọn chủ đề Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư nhân trong công tác Phòng chống tham nhũng cho Đối thoại lần này. Trong Phiên làm việc thứ nhất vừa diễn ra, các báo cáo tham luận và ý kiến thảo luận của quý vị đại biểu đã nêu lên thực trạng tham nhũng, hối lộ trong khu vực doanh nghiệp và đã đưa ra nhiều khuyến nghị, giải pháp có ý nghĩa thiết thực.

Xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra một số kiến nghị như sau: Thứ nhất, từ trước tới nay, nhận thức xã hội thường cho rằng doanh nghiệp là nạn nhân của tham nhũng, doanh nghiệp phải đưa hối lộ vì sự nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu trình bày tại Đối thoại này cho thấy điều đó đúng nhưng chưa đủ. Còn một thực tế khác, đó là nhiều doanh nghiệp thường chủ động thực hiện hành vi hối lộ nhằm đạt được những lợi thế không chính đáng trong cạnh tranh trên thương trường hoặc để trốn tránh trách nhiệm pháp lý khi có sai phạm.

Vì thế, để phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, một mặt cần ngăn chặn và xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, nhận hối lộ; mặt khác phải có chế tài đủ mạnh để răn đe, xử lý hành vi đưa hối lộ, đặc biệt cần nghiêm khắc đối với những doanh nghiệp coi hối lộ như một “giải pháp” trong kinh doanh, một cách thức để tạo lợi thế, hình thành “nhóm lợi ích”.

Thứ hai, trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế, sự thành công và bản sắc văn hóa của mỗi doanh nghiệp góp phần tạo nên sức mạnh và hình ảnh của quốc gia. Quá trình phát triển nền kinh tế thị trường ở Việt Nam chưa dài, hầu hết các doanh nghiệp dân doanh đều có quy mô nhỏ; kiến thức quản trị, quy trình kiểm soát nội bộ và việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, trong đó việc thực hiện nguyên tắc Liêm chính chưa được chú ý đúng mức.

Thứ ba, thực hiện Liêm chính trong kinh doanh là việc cần thiết, nhưng nếu chỉ một vài doanh nghiệp hành động đơn lẻ thì sẽ rất khó thành công, vì họ có thể bị phân biệt đối xử, có thể mất cơ hội kinh doanh do các doanh nghiệp khác có được lợi thế cạnh tranh không chính đáng. Ngoài ra, những doanh nghiệp nhỏ còn thêm khó khăn về nguồn lực, kinh nghiệm quản trị.

 

Theo số liệu nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ và WB thực hiện năm 2012, chỉ có 30% số trường hợp doanh nghiệp đưa hối lộ là do công chức gợi ý, nhũng nhiễu; còn lại có tới 70% số trường hợp đưa hối lộ là do doanh nghiệp chủ động thực hiện.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với các báo cáo và ý kiến trao đổi rằng các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, trong đó có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phải giữ vai trò quan trọng, là người đề xuất, tổ chức thực hiện các Sáng kiến trong cộng đồng các doanh nghiệp thành viên để các doanh nghiệp cùng hành động, thực hiện Liêm chính. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn, công ty đa quốc gia trong việc giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và tài chính để tham gia thúc đẩy thực hiện Liêm chính trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.Thứ tư, các doanh nghiệp cũng cần chủ động cung cấp thông tin, chủ động phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan có thẩm quyền về những hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Việc các doanh nghiệp mạnh dạn, chủ động tố cáo hành vi tham nhũng sẽ góp phần quan trọng cùng các cơ quan chuyên trách đóng góp vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Bên cạnh đó là cần phải có cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật chặt chẽ, minh bạch để hành vi tham nhũng khó có thể phát sinh và tồn tại. Đây là việc đòi hỏi các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương cần tập trung tham mưu, đề xuất với Chính phủ để ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản pháp luật về phòng chống tham nhũng nhằm hạn chế tối đa các kẽ hở, tạo môi trường cho tham nhũng.

“Việt Nam luôn chào đón, mong muốn và sẽ làm hết sức mình để các doanh nghiệp FDI tuân thủ pháp luật, thực hiện Liêm chính, gặt hái được thành công trong đầu tư, kinh doanh, làm ăn lâu dài tại Việt Nam”- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh./.

Theo : Thu Thủy – Nguyễn Thơm/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *