(kontumtv.vn) – Thời gian qua, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng phải cắt giảm nhân công, thu hẹp quy mô sản xuất do ảnh hưởng của dịch bệnh. Song, trong bối cảnh khó khăn chung đã có những cách làm hay, giải pháp sáng tạo được nhiều doanh nghiệp, cửa hàng áp dụng nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Công ty cổ phần xí nghiệp may Kon Tum tại khu công nghiệp Hòa Bình, thành phố Kon Tum mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng toàn thể người lao động của công ty vẫn giữ vững quyết tâm, tích cực thi đua lao động, sản xuất. Ông Huỳnh Xuân Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần xí nghiệp may Kon Tum cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã làm chi phí vận chuyển tăng cao, thị trường bị thu hẹp, nguồn nguyên liệu thiếu hụt khiến doanh thu của công ty giảm gần 30% so với trước dịch. Để ứng phó với tình hình, công ty đã chủ động xây dựng các kế hoạch tiết kiệm chi phí sản xuất, phát triển các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường, đồng thời, phát động phong trào thi đua nâng cao chất lượng sản phẩm tới tất cả nhân viên, người lao động của công ty. Nhờ đó, năng suất trung bình của công ty vẫn đạt hơn 4.500 sản phẩm/ngày, đảm bảo việc làm cho hơn 600 lao động với mức thu nhập từ 6.000.000 – 7.000.000 đồng/tháng. Ông Huỳnh Xuân Lộc cho hay: “Tất cả các vấn đề đang mắc phải đều nằm trong các kịch bản mà Hội đồng quản trị đã xây dựng và từ đó luôn luôn có nhiều cái phương án, có nghĩa là khi gặp tình huống nào thì có ngay tình huống đó để xử lý, công suất hoạt động của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý phải nói là 200%, cho nên chúng tôi vẫn còn đang bảo đảm, đáp ứng được sản xuất.

Không chỉ sản xuất bị ảnh hưởng, mà việc kinh doanh của các doanh nghiệp, cửa hàng trên địa bàn tỉnh cũng chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhất là đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ du lịch… Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tỉnh Kon Tum đã ban hành công văn yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, chỉ được phục vụ không quá 10 khách hàng tại quán, khiến doanh thu của các cửa hàng giảm sút. Trước khó khăn chung đó, nhiều cửa hàng đẩy mạnh kinh doanh online qua các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để duy trì hoạt động. Đơn cử như nhà hàng Rơm Bistro ở phường Thắng Lợi, Thành phố Kon Tum. Bên cạnh triển khai các chương trình khuyến mãi, bán hàng qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, nhà hàng còn áp dụng dịch vụ giao hàng tận nơi nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhờ đó, doanh thu của nhà hàng vẫn ổn định so với trước dịch, hiện trung bình mỗi ngày nhà hàng có hơn 200 đơn hàng đặt mua trực tuyến. Anh Nguyễn Huỳnh Huy Vũ, quản lý nhà hàng Rơm Bistro, phường Thắng Lợi, Thành phố Kon Tum cho biết: “Thực hiện Chỉ thị của tỉnh giới hạn số lượng khách là 10 người thì hiện quán chúng tôi đang thực hiện thêm dịch vụ giao hàng tận nhà cho khách. Về doanh thu thì có giảm so với lúc trước, nhưng mặt khác những đơn hàng ship của chúng tôi được tăng hơn..

Bên cạnh đó, để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, tất cả các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Anh Lê Lợi, nhân viên nhà hàng Rơm Bistro, phường Thắng Lợi, Thành phố Kon Tum cho biết, mỗi ngày anh nhận giao hơn 50 đơn hàng, tiếp xúc với rất nhiều người. Để đảm bảo an toàn, anh luôn đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn trong lúc giao, nhận hàng.

Đặc biệt, công tác khử khuẩn, vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng nơi sản xuất, kinh doanh cũng được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm túc. Ông Huỳnh Xuân Lộc, Giám đốc Công ty cổ phần xí nghiệp may Kon Tum cho biết, ngay từ đầu đợt dịch công ty đã tuyên truyền, hướng dẫn nhân viên, người lao động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch, chuẩn bị khẩu trang, mặt nạ chống giọt bắn, dung dịch sát khuẩn cho tất cả nhân viên, người lao động, bố trí phòng cách ly tạm thời… nhằm ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Đồng thời đưa tất cả yếu tố rủi ro cao nhất để vừa cảnh báo vừa truyền thông cho người lao động thấu hiểu tất cả những yêu cầu của công ty là để tạo môi trường lao động an toàn nhằm đem lại công ăn, việc làm ổn định cho họ”.

Thực tế cho thấy, trong khó khăn, các doanh nghiêp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chủ động, sáng tạo tìm ra các giải pháp phù hợp để vừa ứng phó với dịch bệnh, vừa bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và chờ cơ hội bứt phá. Tuy nhiên, để phục hồi và phát triển bền vững hơn, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn rất cần sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc tiếp cận vốn vay ưu đãi, giảm lãi vay, giảm thuế…./.

Đăng Huy – Thanh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *