(kontumtv.vn)  – Chủ tịch Ngân hàng ADB cho biết chưa hề nhận được bất cứ yêu cầu vay vốn nào từ phía các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.

Đưa ra những nhận định chung về tình hình kinh tế Việt Nam tại cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 17/6, ông Takehiko Nakao, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, kinh tế Việt Nam đã bắt đầu ổn định hơn so với trước. Lạm phát bình ổn, tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tăng, tỷ giá ổn định…

chu tich adb: chua thay doanh nghiep tu nhan viet nam hoi vay von hinh 0
Chủ tịch ADB, ông Takehiko Nakao (bên phải) đưa ra nhiều khuyến nghị cho tiến trình phát triển kinh tế của Việt Nam. 

Tuy nhiên, Chủ tịch ADB cũng đưa ra một thực tế, đó là hiện các khoản vay trong nước của Việt Nam đang sát ngưỡng trần 65% GDP, nguồn vốn vay ADB cũng đã lên gần 1 tỷ USD/năm. Như vậy, các khoản nợ trong nước (nợ công) của Việt Nam vẫn đang tăng nhanh, trong khi các khoản nợ nước ngoài vẫn ở mức 29%.

Chủ tịch ADB đưa ra dự báo, trong thời gian tới nền kinh tế Việt Nam có thể rơi vào tình trạng thâm hụt ngân sách, bội chi ngân sách tăng so với dự kiến ban đầu. Ngoài ra còn có thể phát sinh rủi ro mở rộng tín dụng, bùng nổ tín dụng hoặc tăng trưởng tín dụng quá nóng.

Để giải quyết những thực trạng này, Chủ tịch ADB cho rằng, trước hết Việt Nam cần giải quyết các vấn đề liên quan đến tính bền vững bằng cách cải thiện nguồn thu nội địa, nâng cao hiệu quả chi tiêu thường xuyên. Tiếp tục thực thi những chính sách kinh tế phù hợp và cải cách cơ cấu theo chiều sâu. Đặc biệt quan trọng là cải cách các doanh nghiệp Nhà nước thông qua giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, nâng cao quản trị doanh nghiệp và tăng cường hiệu quả tài chính.

“Chính phủ Việt Nam cần xử lý những khoản nợ xấu, gia tăng nguồn thu từ thuế và nâng cao hiệu quả chi tiêu công, đặc biệt là việc cân đối ngân sách, ổn định kinh tế vĩ mô lâu dài. Song song với việc giải quyết nợ công, Việt Nam cần nhanh chóng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Takehiko Nakao chỉ rõ.

Đối với lĩnh vực tài chính – ngân hàng, ông Takehiko Nakao cho rằng, nếu cần thiết Việt Nam có thể mua cổ phần của các ngân hàng để bơm tiền nhà nước vào các ngân hàng có nợ xấu. Việt Nam cũng có thể hỗ trợ ngân hàng quản trị tốt hơn, quản lý rủi ro tốt hơn, giảm gánh nặng thuế cho những ngân hàng đang gặp khó khăn.

“Việt Nam cần theo dõi sát thị trường tài chính quốc tế và nhìn vào tỷ giá để xem VND có bị giảm giá nhanh không. Dự trữ ngoại hối có thể gây ra rủi ro mà nếu ta không lường trước sẽ phải trả giá đắt”, ông Takehiko Nakao khuyến cáo.

ADB có thể cho Việt Nam vay tới 1 tỷ USD/năm

Riêng về ADB, Chủ tịch Takehiko Nakao khẳng định, những chính sách của ADB dành cho Việt Nam sẽ không đổi trong thời gian tới. Những khoản ADB hỗ trợ cho Việt Nam vay có thể lên tới khoảng 1 tỷ USD/năm, với thời hạn lâu dài và nhiều điều kiện đơn giản hơn so với các khoản vay thương mại khác.

“Chúng tôi sẽ ưu tiên nguồn vốn cho Việt Nam vay để phát triển các dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, vận tải hành khách, truyền tải điện, năng lượng nông thôn, quản lý nguồn nước, thủy điện. Đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, đào tạo nghề, mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm y tế, cung cấp đầy đủ các dịch vụ y tế có chất lượng…”, Chủ tịch ADB cho biết.

Ngoài ra, ADB cũng sẽ quan tâm tới các vấn đề về biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, xâm nhập mặn ở ĐBSCL cũng như tăng cường sử dụng, giảm chi phí cho phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió với cam kết đẩy nhanh việc giải ngân các dự án do ADB tài trợ.

Một điểm đáng chú ý đã được ông Takehiko Nakao tiết lộ rằng, trong thời gian tới, ADB có thể sẽ tăng cường các dự án cho doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. Cụ thể là ADB sẽ dành nhiều cơ hội vay vốn cho các doanh nghiệp của Việt Nam hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo, thiết bị y tế, giáo dục, công nghệ thông tin cao, viễn thông… Bên cạnh đó, chương trình cho vay hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng cũng sẽ được ADB quan tâm, xem xét.

Tuy nhiên, Chủ tịch ADB – Takehiko Nakao cũng lấy làm tiếc khi cho rằng, thời gian qua, mặc dù ADB đã thực hiện nhiều chương trình cho doanh nghiệp tư nhân vay vốn làm ăn ở nhiều quốc gia khác nhau, nhưng tại Việt Nam thì điều này vẫn chưa thành hiện thực.

“Về lý thuyết đối với ADB thì hoàn toàn không có trở ngại nào, nhưng ADB chưa hề nhận được bất cứ yêu cầu vay vốn nào từ phía các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam. Mặc dù chúng tôi rất muốn cho vay, nhưng chưa thấy doanh nghiệp nào hỏi vay cả!”, Chủ tịch Takehiko Nakao bày tỏ sự ngạc nhiên./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *