(kontumtv.vn) – Sự khởi đầu tồi tệ chưa từng có của thị trường chứng khoán Trung Quốc được xem là kết cục tất yếu do tăng trưởng nhờ dòng tiền nóng trước đó. Tuy nhiên, sự bất ổn của nền kinh tế hàng đầu thế giới này còn khiến không ít thị trường tài chính khác chao đảo.

Rủi ro Trung Quốc

Điểm nổi bật trên thị trường tài chính thế giới đầu năm 2016 chính là hai cú sập sàn liên tiếp của thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc, kéo theo đó là sự hoảng loạn trên khắp TTCK các nước.

Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2016, ngày 4/1, giới đầu tư trên TTCK Trung Quốc bất ngờ ồ ạt bán tháo cổ phiếu. TTCK Trung Quốc đã ngừng giao dịch 15 phút, sau khi chỉ số CSI 300 đo lường biến động 300 cổ phiếu hạng A trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến rớt 5%.

Việc tạm ngừng giao dịch không đủ sức trấn an các nhà đầu tư và ngăn thị trường lao dốc khi TTCK mở cửa trở lại. CSI 300 đã nhanh chóng giảm hơn 7% và lập tức tự động ngừng giao dịch theo một quy định mới.

Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế, kinh tế thế giới, Trung-Quốc, tăng-trưởng-kinh-tế, kinh-tế-thế-giới, cuộc-chiến-tiền-tệ, xuất-khẩu, lạm-phát
Thị trường tài chính Trung Quốc chao đảo tác động mạnh tới thế giới.

Cú sập sàn đầu năm mới tại Trung Quốc ngay lập tức tác động tiêu cực tới chứng khoán toàn cầu. Hàng loạt TTCK châu Á đã giảm 3-4%, chứng khoán châu Âu và Mỹ cũng giảm điểm mạnh.

Chỉ 2 phiên sau đó, TTCK lại chứng kiến cơ chế tự ngắt mạnh tự động tiếp tục “phát huy” tác dụng trong phiên ngày 7/1. TTCK Trung Quốc đóng cửa chỉ sau chưa tới 30 phút giao dịch do giá cổ phiếu giảm trên 7%, ảnh hưởng dây chuyền tới rất nhiều TTCK khác trong cả tuần sau đó.

Theo nhiều chuyên gia của các tổ chức tài chính uy tín, sự mở màn tồi tệ của TTCK Trung Quốc đã dẫn đến sự khởi đầu bi quan chưa từng có của rất nhiều TTCK khác, và đây là vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt.

Hàng loạt biện pháp cùng với một khối lượng tiền không nhỏ đã được bơm vào để hỗ trợ thị trường. Chỉ số Composite Thượng Hải và Thâm Quyến đã có những phiên tăng điểm trở lại. Tuy nhiên, chỉ trong vòng khoảng ba tuần đầu tiên của năm mới, chứng khoán Trung Quốc đã giảm gần 20%.

Từ mức đỉnh cao 5.178,2 điểm ghi nhận hồi giữa tháng 6/2015, Shang Hai Composite giờ chỉ còn khoảng 2.900 điểm.

TTCK giảm mạnh được cho là bởi cổ phiếu đã tăng quá nhanh trong vòng một năm tính tới giữa 6/2015. Tổng mức tăng trong khoảng thời gian này lên tới 150%. Tính từ đỉnh cao hồi giữa tháng 6/2015 cho tới cuối năm, chứng khoán Trung Quốc đã giảm hơn 40%.

Đây là một đợt điều chỉnh mạnh nhưng so với mức tăng trước đó còn khá khiêm tốn. Hơn thế, tính chung trong 2015, chứng khoán Trung Quốc vẫn tăng gần 10%.

Lây lan toàn cầu

“Trung Quốc sẵn sàng can thiệp tiếp vào TTCK để đảm bảo một số NĐT không thể hưởng lợi từ hàng triệu NĐT khác”, phó chủ tịch nước Lý Nguyên Triều trả lời trên Bloomberg bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ cuối tháng 1/2016.

Theo đó, chính quyền Bắc Kinh sẽ tăng cường các quy định để hạn chế biến động.

Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế, kinh tế thế giới, Trung-Quốc, tăng-trưởng-kinh-tế, kinh-tế-thế-giới, cuộc-chiến-tiền-tệ, xuất-khẩu, lạm-phát
Chứng khoán Trung Quốc sập sàn 2 lần ngay đầu năm 2016.

Trên thực tế, nhiều biện pháp hành chính đã được Trung Quốc triển khai gần một năm qua, khi TTCK có dấu hiệu bong bóng và xì hơi rất nhanh. Nhưng dường như đó không phải là các biện pháp hiệu quả và lại là điều mà thế giới lo ngại.

Hôm 8/1, chính phủ Trung Quốc đã buộc phải tuyên bố đình chỉ hệ thống ngắt mạch giao dịch chứng khoán gây tranh cãi và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) ổn định tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ.

Nỗi lo bong bóng Trung Quốc vẫn hiện hữu. Nỗ lực hỗ trợ giá cổ phiếu dường như đang phản tác dụng và đang xói mòn niềm tin của các NĐT vào khả năng điều hành của Bắc Kinh.

Không chỉ có chứng khoán, giới đầu tư cũng lo ngại sự bất ổn của đồng NDT. Tỷ giá biến động đã khiến dòng tiền tiền tháo chạy khỏi thị trường này. Trong năm 2015, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tổng số tiền tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi là 735 tỷ USD, trong đó 676 tỷ USD chảy khỏi Trung Quốc.

Nhiều nền kinh tế không chịu tác động trực tiếp từ sự giảm giá trên TTCK Trung Quốc nhưng có một thực tế là mỗi khi chứng khoán Trung Quốc hoảng loạn, các thị trường tài chính từ Á sang Âu cho tới Mỹ đều chao đảo.

Đằng sau sự lao dốc của TTCK Trung Quốc là một thị trường tài chính hỗn loạn và một nền kinh tế đang tăng chậm lại một cách khó kiểm soát. Hàng loạt các thị trường hàng hóa trên thế giới, bao gồm cả dầu mỏ, đang dõi theo sức khỏe của nền kinh tế này.

2015 là năm Trung Quốc chứng kiến tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 2 thập kỷ rưỡi qua. Sự giảm tốc dường như còn tiếp tục theo tín hiệu thấp dần qua các quý. Đây là điều khiến giới đầu tư lo ngại và là nguyên nhân khiến hoảng loạn lây lan trên khắp các thị trường thế giới.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ, những người đứng đầu lĩnh vực tài chính trên khắp thế giới đang cố gắng nhận diện những rủi ro mà kinh tế toàn cầu đang đối mặt.

Thị trường tài chính thế giới được dự báo sẽ có một năm 2016 không bằng phẳng. TTCK Trung Quốc cũng như thị trường tiền tệ nước này sẽ trải qua nhiều đợt điều chỉnh, có thể giảm mạnh. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn hưởng lợi. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính, giá hàng hóa cơ bản sụt giảm đang giúp Trung Quốc tiết kiệm mỗi năm khoảng 460 tỷ USD, trong đó có 320 tỷ USD tiết kiệm nhờ giá dầu giảm. Một đồng NDT giảm cũng sẽ giúp kích thích kinh tế Trung Quốc. Những cú sốc gây chiến dường như vẫn nằm trong tính toán của Bắc Kinh.

V. Minh/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *