Thủ tướng lắng nghe và chia sẻ với các doanh nghiệp cơ khí trong và ngoài nước bên lề hội nghị (Ảnh: Nhật Bắc) |
Với các cơ chế, chính sách tương đối đầy đủ hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm cơ khí, nhất là cơ khí trọng điểm, hơn 10 năm qua, chỉ tiêu chính về sản xuất, kinh doanh của ngành cơ khí năm sau cao hơn năm trước và đến năm 2013 giá trị sản xuất của toàn ngành đạt trên 251.000 tỷ đồng, tăng hơn 7 lần so với năm 2000. Giá trị xuất khẩu cơ khí cũng đã đạt gần 35% trên tổng giá trị ngành cơ khí, cao hơn mục tiêu đề ra trong chiến lược. Doanh nghiệp trong nước đã sản xuất được các loại thiết bị như: cơ khí thủy công cho các nhà máy thủy điện; dây chuyền thiết bị cán thép xây dựng công suất đến 30.000 tấn/năm; sản xuất, lắp ráp các loại xe bus đến 80 chỗ chất lượng cao với tỷ lệ nội địa hóa lên tới 40% gắn với chế tạo ô tô nông dụng, ô tô tải nặng và xe chuyên dụng…
Ngành cơ khí cũng đã đóng vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển các ngành xi măng, vật liệu xây dựng, thiết bị y tế, chế tạo thiết bị điện, đóng tàu và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí…Mặc dù đã có những bước tiến lớn nhưng mục tiêu đến năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng 40-50% nhu cầu trong nước đến nay vẫn chưa đạt được; tỷ lệ nhập siêu vẫn cao hơn xuất khẩu; chất lượng sản phẩm cơ khí còn nhiều hạn chế; doanh nghiệp chưa làm chủ được công tác thiết kế đối với các dự án lớn; năng lực, quản trị doanh nghiệp và sự phối hợp, liên kết còn kém hiệu quả…
Một số ý kiến của doanh nghiệp cơ khí kiến nghị Chính phủ bổ sung, hoàn thiện đồng bộ, ổn định và nhất quán các cơ chế, chính sách ưu tiên, đón đầu sự phát triển của ngành cơ khí liên quan đến đấu thầu, ưu đãi thuế và tiếp cận nguồn vốn vay, phát triển trung tâm cơ khí đa dụng, bảo hộ sản phẩm trong nước cũng như ưu tiên giao các dự án lớn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước lớn mạnh để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng sản phẩm và uy tín của doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – Lilama chia sẻ: “Để tham gia thị trường toàn cầu, Chính phủ đã hỗ trợ hết sức rồi nhưng đối với các chủ hàng nước ngoài, vấn đề đầu tiên là chất lượng, sau đến tiến độ và quan trọng nhất là chất lượng phải vô cùng ổn định. Doanh nghiệp cơ khí cũng phải tự cứu lấy mình, phải duy trì được chất lượng ổn định khi cung cấp hàng cho các đối tác nước ngoài nếu không họ sẽ không bao giờ quay lại với mình nữa”.
Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam kiến nghị tập trung phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm liên quan đến đóng tàu biển, giàn khoan, ô tô khách và xe tải nhẹ, chế tạo chi tiết máy động lực và công nghiệp, chế tạo thiết bị đồng bộ và thiết bị điện…
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam Nguyễn Văn Thụ kiến nghị: “Các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách và trái phiếu Chính phủ nên có tiêu chí sử dụng hàng nội địa hóa. Chúng tôi kiến nghị bất kỳ dự án đầu tư công nghiệp nào trước khi trình Bộ chủ quản phê duyệt và kế hoạch đấu thầu thì giao cho Hiệp hội đề xuất những khâu nào làm được trong nước, khâu nào phải nhập khẩu để giúp Nhà nước bớt nhập siêu, đồng thời tạo việc làm cho doanh nghiệp cơ khí trong nước”.
Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: Nhật Bắc) |
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định những bước tiến dài của ngành cơ khí nước nhà trong hơn 10 năm qua, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển của đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh: Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển ngành cơ khí, nhất là cơ khí chế tạo.
Thủ tướng cũng phân tích rõ một số hạn chế của ngành cơ khí, đặc biệt là sự đóng góp của ngành cơ khí còn quá ít trong sự phát triển của các ngành và lĩnh vực vốn là tiềm năng, thế mạnh của đất nước như nông nghiệp, giao thông, thủy sản, thiết bị y tế; năng lực cạnh tranh của sản phẩm cơ khí vẫn còn thấp; năng lực quản trị của doanh nghiệp cơ khí vẫn còn yếu…
Trên tinh thần này, Thủ tướng giao Bộ Công thương tập trung rà soát trên cơ sở kế thừa để xây dựng chiến lược gắn với quy hoạch phát triển ngành cơ khí trong giai đoạn tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Chiến lược phải gắn với quy hoạch, trong đó xác định rõ sản phẩm và lĩnh vực ưu tiên gắn với cơ chế chính sách cụ thể để thực hiện. Ví dụ như lĩnh vực ưu tiên cơ khí chế tạo đáp ứng máy cho nông nghiệp, máy cho đánh bắt thủy sản…tiềm năng lớn, thị trường còn đó. Xây dựng chiến lược quy hoạch phải hết sức lưu ý trong điều kiện mới, điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập và cạnh tranh chứ không phải kế hoạch theo kiểu bao cấp như trước. Hội nhập nhưng vẫn phải chú ý cạnh tranh ngay trên sân nhà thay thế nhập khẩu, vừa phải tính tới xuất khẩu…”.
Nhằm tạo thuận lợi cho ngành cơ khí nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nói riêng phát triển nhanh và có khả năng cạnh tranh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan bắt tay ngay vào rà soát lại cơ chế chính sách hiện hành theo tinh thần, thực hiện nghiêm túc các cơ chế chính sách phù hợp đã có, đồng thời sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn trên tinh thần khuyến khích và hỗ trợ, nhất là liên quan đến đất đai, thuế thu nhập, thuế VAT cho doanh nghiệp và thuế bảo hộ sản phẩm trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế; rà soát các cơ chế liên quan đến mua sắm Chính phủ mà trực tiếp là cơ chế đấu thầu và quy định tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm; tính toán đề xuất chính sách tín dụng ưu đãi để tạo thị trường liên quan đến máy móc, thiết bị cho người nông dân, ngư dân cũng như chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí phụ trợ…
Thủ tướng cũng lưu ý các doanh nghiệp cơ khí cần tính toán chiến lược phát triển để vươn lên cả về năng lực, quản trị và sức cạnh tranh. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm tập trung vào nhiệm vụ xây dựng cơ chế chính sách; phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp cơ khí và cơ quan quản lý nhà nước của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam trong quá trình xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp và hoàn thiện xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngành cơ khí phát triển nhanh trong điều kiện mới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công thương tiếp thu, tổng hợp các ý kiến xác đáng tại hội nghị để xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành xử lý các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp và ngành cơ khí…./.
Thành Chung/VOV