Kontumtv.vn) – Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) một lần nữa khẳng định, CPI thấp không phải do sức mua yếu.

Khuyến mãi ồ ạt, sức mua vẫn yếu

Nhiều siêu thị điện máy lớn như Nguyễn Kim, Media Mart, Trần Anh, Pico… đều đang tung ra các chương trình khuyến mãi bằng nhiều hình thức như giảm giá, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng,… Tuy nhiên, sức mua của người tiêu dùng ở thời điểm này được cho là khá thấp.

Khuyến mãi nhiều nhưng người tiêu dùng vẫn hờ hững

Anh N.Dũng, quản lý bộ phận đồ gia dụng siêu thị điện máy Pico Bà Triệu cho biết: “Công ty vẫn tiếp tục tung ra các đợt khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng, song lượng khách đến mua các mặt hàng như máy giặt, tủ lạnh,… thời điểm từ sau Tết đến nay rất thấp. Nếu so với thời điểm này năm ngoái thì chỉ bằng 30-40%.”

Đối với mặt hàng TV, số lượng khách đến mua hàng thời điểm này ước tính giảm khoảng 20% so với thời điểm này năm ngoái.

Không chỉ các mặt hàng giá trị cao như đồ gia dụng, đồ điện tử có sức hút kém đối với người tiêu dùng, mà ngay cả các mặt hàng thời trang như giày dép, quần áo cũng không ngoại lệ.

Thống kê của Bộ Công thương cho biết, trong tháng 2, giá các mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép chỉ tăng 0,21% so tháng trước, thấp hơn rất nhiều mức tăng của các mặt hàng này của tháng 2 năm 2013 (1,08%).

Theo khảo sát, trên các tuyến phố kinh doanh sôi động của Hà Nội như Phố Huế, Bà Triệu, Chùa Bộc, Cầu Giấy… cho đến những cửa hiệu nhỏ đều trưng ra các biển giảm giá, siêu khuyến mãi, thanh lý hàng tồn, giảm giá 50-70% nhưng tình trạng chung là ế ẩm. Đặc biệt, đây là thời điểm chuyển giao mùa, các mặt hàng mùa đông thì không có hàng mới, mặt hàng mùa hè thì còn ít, do vậy người tiêu dùng cũng không có nhu cầu mua sắm nhiều.

Nhà quản lý khẳng định CPI thấp không phải do sức mua kém

Thông thường, sức mua yếu chính là nguyên nhân khiến chỉ số CPI thấp. Song, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 3/3, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước lại nhấn mạnh, chỉ số CPI thấp không phải do sức mua yếu.

Theo ông Quyền, trên thực tế, sức mua trong tháng 1 và tháng 2 vẫn tăng thực 6,2%, trong khi cùng kỳ năm trước, sức mua 2 tháng chỉ tăng 4,27%.

“Chúng ta vốn đã quen tăng trưởng 2 con số nên khi tái cơ cấu lại nền kinh tế, tái cơ cấu thị trường, DN thì các con số chúng ta sẽ cảm thấy là thấp. Mặc dù thực tế các con số này là khá cao trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, suy thoái kinh tế thế giới.”, ông Quyền nhận định.

Bên cạnh đó, trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã kiểm soát tốt được lạm phát thông qua nhiều chính sách, đặc biệt là chương trình bình ổn giá.

Theo báo cáo, trong Tết có 42/63 địa phương tham gia chương trình bình ổn, số lượng điểm bán hàng bình ổn, số DN tham gia, số huy động xã hội hóa không sử dụng ngân sách đều đồng loạt tăng.

Do đó, hàng hóa trước, trong và sau Tết được cung ứng đầy đủ, cộng với việc người dân cũng thay đổi thói quen tiêu dùng nên không có nhiều biến động giá cả trong dịp này. Đây chính là lý do sức mua tăng mà giá cả không tăng theo./.

CTV Thùy Anh/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *