(kontumtv.vn) – Thứ trưởng Bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, đặc khu kinh tế phải vượt trội trong nước và cạnh tranh so với quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo “Chính sách phát triển kinh tế – xã hội tại đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” ngày 3/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về nguyên tắc, luật hoá chủ trương, kế hoạch phát triển… tại đặc khu kinh tế.

dac khu kinh te vuot troi trong nuoc va canh tranh quoc te hinh 1
Các đại biểu đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt

Theo ông Trung, yêu cầu đặt ra cho Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt là phải vượt trội, không chỉ đối với trong nước mà còn so với quốc tế nhằm nâng cao tính cạnh tranh, đột phá khi đặt cạnh những đặc khu kinh tế khác.

Trên thực tế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho rằng, hiện nay Việt Nam mới chỉ đưa ra được chính sách nổi trội hơn so với các vùng, chưa so được với quốc tế. Các quốc gia phát triển hơn kém nhau chính là ở thể chế, do đó, ông Trung mong muốn dự Luật này có thể sớm đi vào thực tiễn.

Có chấp nhận các “trò chơi mới”?

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ: Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt tạo khung pháp lý quan trọng, làm nền tảng cho việc thành lập, phát triển, quản lý và hoạt động của 3 đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt gồm: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Những chính sách được đưa vào trong Luật tập trung xây dựng môi trường kinh doanh đặc biệt thuận lợi thông qua việc mở cửa thị trường tại đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với mức cao hơn các khu vực khác. Đặc khu sẽ đảm bảo cạnh tranh quốc tế thông qua quy định điều kiện đầu tư, thủ tục đầu tư trong các ngành nghề cần thu hút, ông Đông lưu ý.

Một số ưu thế vượt trội khác cũng được ông Trần Duy Đông đưa ra như việc có thể thoả thuận áp dụng pháp luật nước ngoài, cho phép giải quyết các vấn đề phát sinh tại toà án nước ngoài, giảm bớt các ngành nghề kinh doanh có điều kiện… Thuận lợi tiếp cận đất đai đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cũng là điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật được đưa ra lần này.

dac khu kinh te vuot troi trong nuoc va canh tranh quoc te hinh 2
Việt Nam sẽ xây dựng 3 đặc khu hành chính – kinh tế (Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc) – Ảnh minh họa: KT

Theo quan điểm của TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mô hình đặc khu kinh tế không còn mới trên thế giới. Các chính sách cho đặc khu cần vượt ra ngoài các ưu đãi thông thường trong các dự án luật của Việt Nam, để thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Chuyên gia kinh tế này cho rằng, có thể chấp nhận các “trò chơi mới”, cách chơi mới về thanh toán, tiền tệ, nhưng cũng nên ở mức có thể kiểm soát được.

Mang lợi nhuận về “nhà” có dễ không?

Ông Marcin Milosz, nhóm tư vấn công ty tư vấn Boston đánh giá, là nước đi sau, Việt Nam có nhiều lợi thế, rút kinh nghiệm từ thành công và thất bại của các nước đi trước.

Việt Nam cần tập trung xây dựng chiến lược và cơ sở hạ tầng cho phù hợp, có khung khổ thể chế rõ ràng; thông thoáng để hỗ trợ cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển, đồng thời chú trọng quảng bá hình ảnh các đặc khu để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, ông Marcin Milosz gợi ý.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, ông Patrick Tay, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách tư vấn chính sách kinh tế Tập đoàn PWC tại Malaysia, đặt câu hỏi: Dầu tư vào thì dễ, nhưng lợi nhuận mang ra khỏi thị trường đầu tư, mang về “nhà” có dễ dàng không?

Đặc khu chỉ có thể coi là thành công thực sự khi mọi người đều được hưởng lợi, cả nhà đầu tư, người dân sở tại nói riêng và người dân toàn quốc nói chung nhờ tác dụng lan tỏa, ông Patrick Tay chia sẻ quan điểm.

GS. Đặng Hùng Võ thẳng thắn cho rằng các chính sách ưu đãi cho phát triển kinh tế xã hội trong Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt mới đạt được ở mức cơ bản chứ chưa mang tính đột phá.

Theo ông Võ, thủ tục hành chính “một cửa” chưa phải là đột phá. Muốn đột phá, cần mạnh dạn đưa ra thủ tục hành chính điện tử một cửa, thậm chí với công nghệ 4.0 là “không cửa”.

Vân Đồn (thuộc Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (thuộc Khánh Hòa) và Phú Quốc (thuộc Kiên Giang) là 3 đặc khu kinh tế đang hình thành của Việt Nam.

Dự thảo Luật Đơn vị Hành chính Kinh tế đặc biệt được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Quốc hội khoá XIV, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 đang diễn ra từ 23/10-25/11/2017, và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2018./.

 

Trần Ngọc/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *