(kontumtv.vn) – Hiện tượng cá chết hàng loạt ven biển miền Trung từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên – Huế đã đặt ra nhiều nghi vấn về nguồn thải độc. Chính thời điểm này lại nhắc nhở chúng ta về ô nhiễm môi trường từ công nghiệp nhất là từ sản xuất thép gây ra.

Những cảnh báo chưa cũ

Dự án Khu liên hợp gang thép của tập đoàn Formosa (Đài Loan) tại Vũng Áng – Hà Tĩnh giai đoạn 1, có vốn đầu tư 10,5 tỷ USD với sản lượng 7,5 triệu tấn/năm, đến nay đã hoàn thành hầu hết các hạng mục và đang trong giai đoạn chạy thử.

Cuối 2015, dự án đã cho ra mẻ thép đầu tiên với sản lượng 4.700 tấn cuộn cán nóng. Theo dự kiến, lò cao số 1 sẽ đi vào vận hành trong quý 2/2016, đến quý 2/2017 lò cao số 2 đi vào hoạt động.

sản xuất thép, khu liên hợp gang thép, ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, hậu quả nặng nề, xả thải, xử lý môi trường.

Là một dự án lớn nhưng đây là cơ sở công nghiệp luôn được cảnh báo về nguy cơ có thể gây ô nhiễm môi trường tại khu vực miền Trung. Ngay từ khi khởi động Khu liên hợp gang thép của tập đoàn Formosa, đặt trong khu kinh tế Vũng Áng đã có nhiều cảnh báo về ô nhiễm. Bởi sản xuất thép được cho là ngành gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Đúc Luyện Kim Việt Nam cho biết, Khu liên hợp gang thép của Formosa tại Vũng Áng sử dụng công nghệ lò cao. Theo phương pháp này, quặng sắt phải nghiền ra thành bột cùng với than, trộn với than coke rồi đốt trong lò cao ở nhiệt độ trên 2.000°C, tạo ra gang lỏng. Sau đó đưa gang lỏng vào lò và thổi khí oxy để đốt carbon thừa.

“Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng phương pháp này tiêu thụ nhiều than và sinh ra xỉ, khí dioxyd carbon và nhiều bụi. Trong quặng sắt còn chứa nhiều hóa chất rất độc hại khác như chì, arsen (thạch tín), lưu huỳnh, phốt pho; cùng với đó, công đoạn luyện than coke cũng phát thải nhiều chất độc hại ra môi trường”, ông Cường nói.

Ngoài nguyên liệu chính là quặng sắt, sản xuất thép còn sử dụng các nguyên liệu khác như vôi, nước và các chất phụ trợ như hợp kim, điện cực, khí trơ, vật liệu đầm lò. Quá trình sản xuất thép sinh ra các chất thải khí, rắn và tiếng ồn. Ngay cả nước làm mát, nếu không được tuần hoàn tuyệt đối, cũng phát thải độc hại ra môi trường.

Theo số liệu thống kê từ Hội Đúc Luyện Kim Việt Nam, để sản xuất được một tấn thép thô bằng công nghệ lò cao, sẽ phải thải ra hơn 585 ki lô gam chất thải rắn, trong đó có 455 ki lô gam xỉ. Đồng thời, mỗi tấn thép thô sản xuất còn tạo ra 3 mét khối nước thải độc hại. Lượng khí thải ra từ việc sản xuất một tấn thép thô có 2,3 tấn CO2, cùng các loại khí CO, SO2, NOx, bụi và bụi kim loại….

Vì vậy, trong các vùng luyện kim, khí quyển bị nhiễm bẩn thường chiếm tỷ lệ gần 60%. Nếu các loại khí thải này không được xử lý tốt, các hóa chất chứa trong đó sẽ gây ra mưa axít, cùng với bụi kim loại, sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng trong khu vực. Nhìn chung, sản xuất thép là ngành công nghiệp không thân thiện với môi trường, nên phải chú ý kiểm soát chặt khẩu xử lý ô nhiễm.

Ngày nay, đã có nhiều tiến bộ trong công nghệ kiểm soát ô nhiễm từ sản xuất thép để không gây ảnh hưởng tới môi trường. Chẳng hạn với bụi do luyện thép thải ra, sẽ dùng máy lọc để lọc rồi tưới nước cho đọng xuống và thu gom, xử lý; hay nước thải phải xử lý theo quy trình khép kín đến khi trong lành rồi mới được thải ra môi trường.

“Tuy nhiên, chi phí để xử lý rất tốn kém. Theo tính toán, để xử lý triệt để chất thải trước khi thải ra môi trường, sẽ làm cho giá thành mỗi tấn thép tăng ít nhất 10%. Điều này sẽ khiến cho sức cạnh tranh giảm, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi Trung Quốc đang khủng hoảng thừa thép và đưa ra thị trường thế giới hàng trăm triệu tấn với giá rẻ”, ông Cường nói.

Kiểm soát chặt chẽ

Nói về khả năng kiểm soát ô nhiễm, ông Cường cho rằng, bình thường rất khó biết DN đang làm gì. Vụ Vedan trước đây chính là như vậy. Họ xả thải thẳng ra sông, đến khi cá chết hàng loạt mới phát hiện ra.

sản xuất thép, khu liên hợp gang thép, ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, hậu quả nặng nề, xả thải, xử lý môi trường.

Theo ông Cường, trước đây, khi còn làm ở Hiệp hội Thép Việt Nam, chúng tôi đã từng kiến nghị với các cơ quan chức năng cần giám sát chặt chẽ những dự án thép 100% vốn đầu tư nước ngoài để tránh gây ra hậu quả xấu về môi trường. Như đã nói, chi phí xử lý môi trường với sản xuất thép rất phức tạp và tốn kém. Vì vậy, cần kiểm soát tốt để tranh mọi rủi ro và gian dối.

“Chẳng hạn, máy lọc bụi chỉ chạy đối phó khi có cán bộ môi trường đến kiểm tra, sau đó lại ngừng, thì rất nguy hại”, ông Cường lấy ví dụ.

Vì vậy, việc kiểm soát tuân thủ các quy định về môi trường cần hết sức chặt chẽ và nghiêm túc để tránh gây ra những hậu quả tiêu cực. Cần đặt phòng kiểm tra môi trường ngay tại Khu liên hợp Formosa và kiểm tra thường xuyên, chứ không nên định kỳ 1 quý 1 lần như hiện nay. Nếu cán bộ môi trường không đủ trình độ, cần thuê các chuyên gia nước ngoài giám sát, mới có thể giúp bảo vệ môi trường, ông Cường nói.

Theo kế hoạch, Formosa dự định đầu tư giai đoạn 2 với số vốn khoảng 15 tỷ USD nữa, nhằm đưa sản lượng thép thô đạt 22,5 triệu tấn/năm vào năm 2020. Nếu thế, đây sẽ là dự án thép lớn hàng đầu thế giới. Nếu không kiểm soát tốt, môi trường khu vực miền Trung sẽ bị nhiều ảnh hưởng. Theo quy định, các dự án lớn thường được ưu đãi lớn và kéo dài, nên đóng góp cho kinh tế địa phương không nhiều. Nếu như môi trường bị suy thoái nghiêm trọng, sẽ để lại hậu quả nặng nề khó bù đắp nổi.

Trần Thủy/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *