(kontumtv.vn) – Cùng với việc thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC), huyện Kon Plông (Kon Tum) đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tuyển dụng và đào tạo nguồn lao động địa phương. Chủ trương này không chỉ giúp bà con DTTS trên địa bàn cải thiện thu nhập, mà còn góp phần đào tạo nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng mục tiêu phát triển NNUDCNC của địa phương trong thời gian tới.

Em Y Hiêng ở thôn Kon Ke, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông là 1 trong 2 lao động thường xuyên tại doanh nghiệp King’s Garden. Đây là một trong 7 doanh nghiệp nằm trong Ban Quản lý Khu NNUDCNC Măng Đen đang đầu tư sản xuất rau, củ, quả. Y Hiêng cho biết, công việc hiện tại của em là kiểm tra, chăm sóc cà chua và thu hoạch dâu tây. Từ công việc này, mỗi tháng Y Hiêng có nguồn thu nhập ổn định, không phải trông chờ dịp cuối năm như làm nông truyền thống.

“Trước đây thì em cũng làm nông, sau đó có một anh ở trong làng giới thiệu ở đây, xong rồi em cũng qua đây làm. Làm được một tháng được nhận lương là 4,5 triệu. Trước kia làm nông thì chả có đồng nào hết đó”.

Chị Y Vin ở thôn Kon Ke, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông đang làm lao động thời vụ tại trang trại Hùng Ly’s Garden, nằm trong Ban Quản lý Khu NNUDCNC Măng Đen. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi trong mùa cấy, chị Vin cùng 3 người bạn trong thôn đi thu hoạch cà chua tại các trang trại NNUDCNC. Ngoài các chế độ hỗ trợ ăn uống, xăng xe đi lại, chị Vin được trả công từ 170 – 200.000đ/ngày : “So với việc làm nông thì công việc ở đây nó nhẹ hơn. Với lại làm ở đây thì họ được hướng dẫn này kia, tỉa cành, thu hái. Công việc nó nhẹ hơn, lương bổng thì cũng được hơn so với làm nông”.

Anh Bùi Văn Hùng, quản lý trang trại Hùng Ly’s Garden cho biết, trang trại thường xuyên tuyển dụng lao động tại chỗ. Tùy theo từng công đoạn sản xuất, trang trại tuyển dụng thêm lao động bán thời vụ, có thời điểm lên tới 10 lao động mỗi ngày. Còn hiện tại, trang trại đang có 2 lao động người DTTS làm việc thường xuyên và được trả lương hàng tháng. Anh Hùng cho biết thêm: “Trong thời gian tới đây thì chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng và có thêm những công việc mới và sẽ đào tạo thêm cho những người công nhân đồng bào ở đây thêm kiến thức về chăm sóc cây trồng và cũng có thể là sẽ cho họ lên mức cao hơn như mức quản lý để một số người làm việc tốt thì có thể lên đến mức quản lý ở đây”.

Xác định nhân lực tại chỗ là nguồn lao động chính để phát triển NNUDCNC sau này, Ban Quản lý Khu NNUDCNC Măng Đen đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tuyển dụng nguồn lao động trẻ DTTS. Từ đó đào tạo, hướng dẫn nâng cao tay nghề, đáp ứng được yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Ông Phạm Thanh, Trưởng Ban Quản lý Khu NNUDCNC Măng Đen, huyện Kon Plông cho biết, hiện tại, trong toàn khu có 10 lao động người DTTS làm việc thường xuyên tại các doanh nghiệp và 6 lao động thời vụ : “Lao động là các em người ĐBDTTS, thì hiện tại các em cũng có nhiều ưu điểm trong nông nghiệp. Hiện tại Ban Quản lý cũng sử dụng cái nguồn đó để đào tạo dần dần và hướng dẫn cho các em nắm bắt các kĩ thuật để sau này các em làm trong ban hoặc các em về địa phương, các em mở rộng ra thì cũng có kiến thức. Còn về chính sách của các em thì vô đây cũng có ưu đãi hơn”.

Với tính chất sản xuất NNUDCNC để tiết kiệm chi phí nhân công, các doanh nghiệp trong Khu NNUDCNC Măng Đen đang hướng đến tuyển dụng lao động địa phương, tuy số lượng ít nhưng được hướng dẫn, đào tạo, có trình độ và tay nghề. Mặt khác, cùng với việc mở rộng quy mô trong tương lai, nguồn lao động tại chỗ là lựa chọn thuận tiện và dễ dàng cho các doanh nghiệp sản xuất và mở rộng sản xuất.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *