(kontumtv.vn) – Theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng và các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước – NHNN), đầu tư tín dụng vào các mô hình liên kết phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Việt Nam đang bộc lộ nhiều hạn chế.

Chú thích ảnh
Ứng dụng công nghệ cao giúp phát triển nông nghiệp an toàn, thân thiện môi trường. Ảnh: TTXVN.

Việc phát triển ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong nông nghiệp được coi là xu hướng tất yếu và là một trong những giải pháp trọng tâm để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Đến nay đã có trên 80 tổ chức tín dụng (TCTD) và 1.181 quỹ tín dụng nhân dân tham gia cho vay nông nghiệp nông thôn trong cả nước. Bình quân giai đoạn 2016 – 2019, tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 19,83%, cao hơn mức tăng 16,02% tín dụng chung của nền kinh tế.

“Năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, bão lũ, dịch tả lợn Châu Phi…, song tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vẫn có tăng trưởng khá. Đến cuối tháng 10/2020 ước đạt trên 2,17 triệu tỷ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2019, chiếm gần 25% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế”, bà Hà Thu Giang cho biết.

Bên cạnh đó, việc triển khai cho vay liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của các TCTD thời gian qua gặp nhiều khó khăn như: Đầu tư tín dụng đối với các mô hình liên kết còn nhiều hạn chế do hợp đồng liên kết thiếu chặt chẽ, hiện tượng vi phạm hợp đồng liên kết của người dân diễn ra phổ biến…

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, nhưng hiện số lượng các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và số lượng doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận chưa nhiều; chưa có nhiều mô hình bài bản, hiệu quả, nguồn lực tài chính yếu. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro do thiên tai, dịch bệnh.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú: “Tổng dư nợ của nền kinh tế hiện nay khoảng hơn 9 triệu tỷ đồng. Tốc độ năm 2020 có thể chậm hơn so với các năm trước do dịch COVID-19, cũng như tác động của thiên tai, bão lũ. Lĩnh vực cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 2,16 triệu tỷ đồng. Trong số này có 27.000 tỷ đồng cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; 5.000 tỷ đồng cho những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết giá trị”.

Trong đó, Agribank là ngân hàng chủ lực trong cho vay nông nghiệp, nông thôn. Với mạng lưới rộng khắp, dư nợ của Agribank hiện khoảng hơn 86.000 tỷ đồng, chiếm đến 40% tổng dư nợ của nông nghiệp nông thôn cả nước.

Vì vậy, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh, điều cần quan tâm là làm sao dòng vốn phải hướng vào nông nghiệp công nghệ cao, hướng vào chuỗi giá trị. Bởi EVFTA (Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – Liên minh Châu Âu) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 là con đường thênh thang cho các doanh nghiệp tận dụng được chính sách ưu đãi thuế của các nước châu Âu (EU), nhưng cũng tạo không ít trở ngại cho doanh nghiệp, nhất là phải đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng thị trường khó tính EU và có giá cả cạnh tranh được với hàng hóa của các nước khác.

“Điều này thì các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực. NHNN đã xác định cần phải phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp từ trước khi có EVFTA. Đến nay, dư nợ cho nông nghiệp công nghệ cao mới đạt 27.000 tỷ đồng và chưa phải là con số mong đợi, trong khi các ngân hàng cũng hưởng ứng con số 100.000 tỷ đồng”, Phó Thống đốc NHNN cho hay.

Về giải pháp lâu dài theo bà Hà Thu Giang, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá, lãi suất, góp phần ổn định nền tảng vĩ mô để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, trong đó mạnh dạn đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở rộng liên kết chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu; chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, nông thôn, trong đó khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và chuỗi liên kết trong nông nghiệp; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng phù hợp với từng phân khúc, đối tượng khách hàng tham gia chuỗi liên kết, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Minh Phương/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *