(kontumtv.vn) –  Những năm gần đây, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC) đã trở thành xu hướng chung và được các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh áp dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó nâng cao hiệu quả về năng suất, chất lượng nông sản và đảm bảo nông nghiệp phát triển bền vững.

Four Ways Fresh Farm là một trong những đơn vị đăng ký đầu tư sản xuất sản phẩm rau, củ, quả xứ lạnh trong Khu NNUDCNC Măng Đen. Tại đây, ngoài việc sản xuất, trồng trọt trong nhà màng hay lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, đơn vị còn ứng dụng công nghệ 4.0 vào các công đoạn chăm bón cho cây trồng và được tự động hóa hoàn toàn chỉ bằng một nút bấm trên Smartphone. Theo anh Lương Thiên Vũ, quản lý 4 Ways Fresh Farm, ngoài ưu điểm có thể tưới một cách chính xác nhất mà không phải trực tiếp vào vườn, cách làm này còn cho năng suất vượt trội so với cách canh tác truyền thống, chất lượng, mẫu mã rau, củ, quả đẹp, được thị trường đánh giá cao.

Từ khi thành lập đến nay, Khu NNUDCNC Măng Đen đã cơ bản hoàn thiện về hạ tầng; thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng, đa dạng hóa các giống cây trồng mới. Từ đó phát triển các sản phẩm rau, củ, quả xứ lạnh và xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của Măng Đen. Đặc biệt là thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển NNUDCNC. Ông Phạm Thanh, Trưởng Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen cho biết: “Trong thời gian qua, xuyên suốt quá trình thì Ban cũng liên tục mời gọi các nhà đầu tư. Hiện tại Ban được giao 170 ha đất và đã giới thiệu cho các doanh nghiệp sử dụng đất đất trong Ban đã được 98%, với tổng số vốn đầu tư là 133 tỷ vốn đầu tư vào Khu nông nghiệp. Vốn nhà nước bỏ ra để làm Khu nông nghiệp này là khoảng 38 tỷ, nghĩa là nhà đầu tư, doanh nghiệp đã bỏ gấp 4 lần nguồn vốn đầu tư nhà nước vào trong đây để mà phát triển NNUDCNC.”

Còn tại các vùng DTTS, việc UDCNC trong sản xuất đang được chính quyền các cấp từng bước triển khai, mở rộng. Cụ thể là mô hình cây chuối tiêu hồng tại xã Ia Chim, TP. Kon Tum. Đây là mô hình nhà nước đầu tư, hỗ trợ bà con chuyển đổi giống cây trồng, vốn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bao tiêu sản phẩm và sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Dự kiến trong năm 2022, từ 9 ha ban đầu, mô hình sẽ nhân rộng lên 18 ha. Anh A Khoan, thôn trưởng thôn Plei Sar, xã Ia Chim cho biết trước đây bà con trồng cây mì theo cách thủ công mang lại hiệu quả kinh tế không cao. Hiện nay, bà con đã chuyển đổi sang trồng giống chuối tiêu hồng và biết áp dụng các biện pháp tưới tiêu phù hợp. Cây chuối giờ đây đã trổ buồng, bà con ai ai cũng vui mừng và phấn khởi.

Với điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, xã Ia Chim hiện có 4 HTX, 1 Tổ liên kết sản xuất và hàng chục trang trại chăn nuôi UDCNC trong sản xuất. Ngoài Tổ liên kết sản xuất trồng chuối tiêu hồng tại thôn Plei Sar, đa số các mô hình đều do người dân tự chủ động đầu tư, phát triển NNUDCNC nhằm giảm thiểu chi phí và nâng cao năng suất, chất lượng. Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Ia Chim cho biết: “Đối với vấn đề chủ động trong việc phát triển UDCNC, thì bà con nhân dân thì cần chủ động là quỹ đất, nguồn vốn, kỹ thuật và hướng tới sẽ phát triển các mô hình trên diện tích lớn, hoặc là chăn nuôi trên quy mô lớn và khép kín, đáp ứng đủ các quy trình kỹ thuật. Mục đích là khi mà các sản phẩm thu hoạch, đưa ra thị trường chất lượng đảm bảo, được người dân công nhận.”

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy về phát triển NNUDCNC gắn với chế biến, tổng giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản UDCNC trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ trọng hơn 17%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Tỉnh Kon Tum tiếp tục phấn đấu đến năm 2025, nâng tổng diện tích sản xuất NNUDCNC và sản xuất hữu cơ lên khoảng 27.000 ha./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *