(kontumtv.vn) – Là chương trình phục hồi kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với tổng gói hỗ trợ 350 ngàn tỷ đồng, Nghị quyết 11 của Chính phủ đang từng bước tạo những thay đổi căn bản trong phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch Covid-19. Tại tỉnh Kon Tum, công tác giải ngân các gói vay hỗ trợ được đẩy mạnh triển khai trên địa bàn trong thời gian này. Mục tiêu là giải ngân nhanh chóng, kịp thời, góp phần tạo đà tăng trưởng cho địa phương sau tác động của dịch bệnh.

Biết được thông tin về gói vay hỗ trợ sinh kế, giải quyết việc làm theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, ông A Veo ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để phát triển sản xuất. Sau khi nhận được vốn vay, gia đình ông quyết định mua 02 con bò sinh sản để nhân rộng mô hình chăn nuôi. Số tiền còn dư, ông tiếp tục đầu tư phân bón chăm sóc thêm cho vườn cà phê. Ông A Veo hy vọng nguồn vốn vay sẽ phát huy hiệu quả trong thời gian tới. Ông nói: “Tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng để chăn nuôi bò. Nhà nước hỗ trợ cho thì đào hố, mua phân cho cây trồng. Đối với gia đình rất mừng được tiếp cận nguồn vốn đó để sau này làm ăn phát triển hơn”.

Thông qua tuyên truyền của Thôn trưởng, Bí thư Chi bộ, anh Lương Văn Phúc ở thôn 1, xã Ya Xier, huyện Sa Thầy biết đến nguồn vốn vay lãi suất thấp theo Nghị quyết 11 của Chính phủ phục vụ mua sắm trang thiết bị học tập cho học sinh. Nhà có 2 người con đang học lớp 5 và lớp 6, kinh tế thuộc hộ nghèo nên anh Phúc chủ động đăng ký với Tổ Tiết kiệm và Vay vốn của thôn để tham gia chương trình. Anh Phúc rất vui mừng khi nhận được số tiền vay 20 triệu đồng sau khi hoàn tất các thủ tục, hồ sơ cần thiết. “Nhà nước có chương trình cho vay ưu tiên này thì tôi về mua 2 cái máy tính bảng để 2 đứa con nó có điều kiện học tốt hơn. Cũng mong mua 2 máy tính này thì giúp cho 2 con nó học giỏi, thành tài sau này để giúp đỡ bố mẹ với lại phát triển thời buổi khó khăn”, anh Phúc phấn khởi nói.

Với tổng gói hỗ trợ 350 ngàn tỷ đồng, Nghị quyết 11 của Chính phủ được đánh giá là chương trình phục hồi kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tác động toàn diện đến mọi mặt, mọi ngành nghề trong xã hội. Đối với lĩnh vực lao động, việc làm, ngay khi Nghị quyết được ban hành, các cấp ngành, địa phương, cơ quan chuyên môn đã tạo mọi điều kiện để người dân nhanh chóng tiếp cận vốn vay, từng bước ổn định sinh kế sau ảnh hưởng của đại dịch. Ông Nguyễn Minh Thuận, Bí thư Đảng ủy xã Sa Bình, huyện Sa Thầy cho hay: Sau khi Nghị quyết 11 ban hành, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng bộ và triển khai xuống tận nhân dân trong các thôn, làng. Ngay từ đầu quý I, địa phương đã phối hợp với Ngân hàng chính sách Sa Thầy rà soát, tổng hợp danh sách các hộ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để hỗ trợ cho vay. Đến nay có 30 lượt hộ cho vay và đang tiến hành giải ngân. Dự kiến giải ngân 1,4 tỷ đồng. Sau giải ngân, Đảng ủy cũng phân công các hội, đoàn thể tiếp cận hộ dân để sử dụng vốn vay đảm bảo hiệu quả cao nhất”.

Thầy giáo Lê Văn Hào, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sa Thầy cho biết thêm: “Chương trình này rất là có ý nghĩa quan trọng và thiết thực đối với các em học sinh, đối với ngành giáo dục. Cụ thể là thứ nhất nó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thời điểm hiện nay. Thứ 2 là thúc đẩy chuyển đổi số đối với ngành Giáo dục và Đào tạo. Thứ 3 mở rộng cơ hội học tập và tạo điều kiện cho các em học tập mọi nơi, mọi lúc”

Là một trong các cơ quan chuyên môn trực tiếp triển khai gói vay ưu đãi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách Xã hội hiện đang đẩy mạnh công tác giải ngân vốn vay đến từng nhóm đối tượng thụ hưởng. Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, tổng nhu cầu vay vốn theo Nghị quyết 11 trên địa bàn tỉnh trong các năm 2022 và 2023 là gần 1.270 tỷ đồng, gồm 5 chương trình tín dụng như cho vay giải quyết việc làm; mua nhà ở xã hội; mua sắm trang thiết bị học tập; cho vay đối với các cở sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động ít nhất 1 tháng theo yêu cầu phòng, chống dịch; hỗ trợ cho vay để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số. “Nghị quyết 11 này thể hiện quyết tâm của Chính phủ để khôi phục lại nền kinh tế sau hơn 2 năm dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; trong đó, giao cho Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện 5 chương trình chính sách và đồng thời hỗ trợ 2% lãi suất đối với những chương trình cho vay có lãi suất cao hơn 6%/năm. Chính phủ ra Nghị quyết rất kịp thời để cho các đối tượng, đặc biệt các đối tượng doNgân hàng chính sách xã hội phục vụ như hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác họ rất thiệt thòi trong hơn 2 năm qua đại dịch rồi thì giờ họ có nguồn lực này để họ khôi phục lại nguồn vốn sản xuất, kinh doanh”, ông Trung nói.

Thời điểm hiện tại, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã tiến hành giải ngân 50% vốn vay đợt 01 theo Nghị quyết 11 của Chính phủ; qua đó, hỗ trợ giải quyết việc làm cho 900 lao động; tạo điều kiện cho gần 400 học sinh trên địa bàn tỉnh có máy tính học tập; đồng thời điều chỉnh kỳ hạn lãi suất vay cho 320 hộ với tổng số tiền 13 tỷ đồng./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *