(kontumtv.vn) – Công tác khuyến nông được xem là một trong những cầu nối giữa nhà khoa học – nhà nông và đồng hành với nông dân. Thông qua công tác khuyến nông, xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả, bền vững, đáp ứng yêu cầu thị trường hướng tới sản xuất theo phương thức liên kết chuỗi giá trị. Việc đẩy mạnh công tác khuyến nông cũng là một trong những mắt xích quan trọng để tỉnh Kon Tum hướng tới thực hiện thành công mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững.

Đưa con cá niên tự nhiên về nuôi, nhưng vì không có kỹ thuật nên mô hình nuôi cá niên của anh A Tông (thôn Pác Y Nhông, xã Đăk Ring, huyện Kon Plông) không hiệu quả. Từ năm 2020 – 2021, gia đình anh A Tông được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ triển khai mô hình nuôi thương phẩm cá niên trong ao. Tham gia mô hình, anh được hỗ trợ cá niên giống, thức ăn công nghiệp, thuốc phòng, trị bệnh và kĩ thuật chăm sóc cá. Có sự hỗ trợ bài bản về các quy trình, kỹ thuật, đến nay, gia đình anh đã mở rộng quy mô lên hàng chục ao nuôi với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh A Tông vui vẻ chia sẻ: “3 – 4 năm nay không đủ để cung cấp thương phẩm cho khách đặt hàng. Đôi lúc đặt số lượng cũng nhiều, mấy chục kí trở lên mà cung cấp cho thị truờng làm không kịp. Mấy hộ đang ươm đây mấy tháng rồi, tiếp theo mở rộng thêm nữa.”

Cũng với mô hình nuôi thương phẩm cá niên trong ao, từ năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai mô hình tại thôn Vắc Y Nhông, xã Đăk Ring, huyện Kon Plông. Sau thời gian triển khai, đến nay, đàn cá được đánh giá sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống trung bình trên 85% và không phát sinh dịch bệnh trong quá trình nuôi. Kỹ sư Đới Văn Cương (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum) cho biết trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiến hành nghiệm thu mô hình và triển khai nhân rộng trên địa bàn xã Đăk Ring cho các hộ dân áp dụng phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tại tỉnh Kon Tum, tình trạng thả rông trâu bò vẫn xảy ra khá phổ biến, tập trung nhiều ở các làng DTTS. Tình trạng chăn nuôi theo hình thức thả rông hoàn toàn là nguyên nhân dẫn đến trâu bò chết do đói rét…Tính từ thời điểm cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, tại 3 huyện Đông Trường Sơn gồm Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông có tổng số 460 con trâu bò bị chết do đói, rét. Trong đó, Kon Plông có tỷ lệ trâu bò chết nhiều nhất với hơn 360 con. Điều này đã đặt ra sự cần thiết phải thay đổi thói quen chăn nuôi của bà con. Một trong những mô hình đang dần tạo ra những chuyển biến tích cực trong thói quen chăn nuôi của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kon Tum triển khai từ năm 2021 là mô hình phòng chống đói, rét cho đàn trâu bò. Qua đó, một bộ phận không nhỏ người dân đã thay đổi tập quán chăn nuôi gia súc thả rông, tạo sự chuyển biến tích cực trong nếp nghĩ, cách làm của nhiều hộ chăn nuôi. Vụ Đông – Xuân năm 2021-2022, trên địa bàn tỉnh không có gia súc chết do đói, rét. Ông Nguyễn Đình Chức – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhấn mạnh: “Trước kia thì chỉ là khuyến nông, mang tính truyền thống, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhưng hiện nay các mô hình trong công tác khuyến nông chúng tôi là đẩy mạnh v nhận thức cho bà con v khuyến nông, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, và sản phẩm đó mang hiệu quả kinh tế và làm giàu cho bà con nông dân.”

Bằng những mô hình khuyến nông thiết thực, phù hợp với từng địa phương, công tác khuyến nông trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt vai trò kết nối giữa nhà khoa học và nông dân. Qua đó, tạo được những hiệu quả nhất định trong phát triển nông nghiệp, đóng góp vào mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh Kon Tum./

Chung Loan – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *