(kontumtv.vn) – Các DN Việt Nam nên xem cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là cơ hội và cũng là thách thức để tái cấu trúc, tận dụng cơ hội mở rộng thị trường.

Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang diễn ra sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là xuất khẩu. Trong đó, TPHCM là một trong những địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước với hơn 35 tỷ USD mỗi năm. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, thành phố này đã xuất khẩu hàng hóa với tổng kim ngạch hơn 24 tỷ 600 triệu USD mà Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu lớn.

Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn mỗi năm xuất khẩu hàng triệu sản phẩm đồ nhựa sang Châu Âu và một số lượng ít sang Mỹ nhưng đã thu về hơn 30 triệu USD. Theo tìm hiểu của chủ doanh nghiệp (DN) này, Trung Quốc đang là nước xuất khẩu các sản phẩm đồ nhựa có thị phần lớn nhất ở Mỹ. Bây giờ, nếu Mỹ tăng thuế mặt hàng này của Trung Quốc thì dự đoán Trung Quốc sẽ chuyển sang thị trường khác như Châu Âu. Khi đó, các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh gay gắt ở Châu Âu, trong khi khoảng trống thị trường Mỹ doanh nghiệp cũng không thể nhanh chóng tiếp cận và mở rộng.

doanh nghiep viet tim cach giu thi phan truoc cuoc chien thuong mai my - trung hinh 1
Các DN Việt Nam nên xem cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là cơ hội và cũng thách thức để mở rộng thị trường xuất khẩu (Ảnh minh họa: KT)

Để ứng phó với những biến động này, trước mắt, Nam Thái Sơn tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ khách hàng để giữ tốt thị phần ở Châu Âu. Đồng thời, công ty cũng sẽ đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng thị trường sang Mỹ dù biết không mấy dễ dàng.

“Bất kỳ doanh nghiệp nào bây giờ cũng phải tập trung vào giữ thị phần của mình, chăm sóc khách hàng tốt, duy trì giá. Vì khi Trung Quốc đổ hàng từ Mỹ chuyển qua Châu Âu thì giá rất rẻ dù hàng của họ về chất lượng và công nghệ không thua Việt Nam. Các doanh nghiệp ngành nhựa bây giờ phải tập trung phát triển thị trường khác nếu thị trường châu Âu bị đe dọa và đẩy mạnh tiếp thị ở thị trường Mỹ. Đây cũng là cơ hội”, ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần phần xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn phân tích.

Không chỉ các doanh nghiệp trong ngành nhựa mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu khác cũng đang theo dõi sát thông tin cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc, nhất là việc áp thuế đối với từng ngành hàng và mức thuế. Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp xem đây vừa là cơ hội vừa là thách thức trong mở rộng thị trường xuất khẩu.

Theo các chủ doanh nghiệp, để tận dụng được cơ hội này, phải tập trung tái cấu trúc thương mại và nâng cao sức cạnh tranh. Các hiệp hội ngành nghề ở TPHCM cũng nắm bắt thông tin thị trường xuất khẩu để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.

“Hiệp hội chúng tôi đã mời các chuyên gia nghiên cứu về vấn đề Chiến tranh thương mại để trao đổi với doanh nghiệp, giúp DN kịp thời nắm được những vấn đề cần xử lý, cập nhật thông tin liên quan đến ngành may, dệt… những sản phẩm nào có tác động để có giải pháp kịp thời”, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Thêu may đan TPHCM cho biết.

Điều mà các doanh nghiệp lo lắng nhất hiện nay là sau khi Mỹ áp thuế cao, hàng giá rẻ của Trung Quốc sẽ tràn vào thị trường Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp ở thị trường nội địa. Đồng thời, không loại trừ khả năng hàng của Trung Quốc sẽ đội lốt “made in Việt Nam” để xuất khẩu. Doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đưa hàng bán thành phẩm sang Việt Nam gia công hoặc hợp tác với doanh nghiệp Việt rồi gắn nhãn mác của Việt Nam để xuất khẩu. Khi đó, Mỹ có thể truy nguồn gốc sản phẩm và áp thuế suất chống phá giá, gây khó khăn lớn, làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp Việt Nam.

“Doanh nghiệp không nên hợp tác với các nhà máy Trung Quốc hàng bán thành phẩm và hàng thành phẩm về gắn nhãn mác rồi xuất khẩu, điều đó vi phạm pháp luật. Chúng ta chỉ nên tiếp nhận từ khâu đầu vì đây là cơ hội để thay đổi bộ mặt của ngành giày da”, ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam nêu ý kiến.

Trước lo lắng của doanh nghiệp về việc hàng Trung Quốc sẽ đội lốt hàng Việt xuất khẩu sang Mỹ, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các bộ, ngành chức năng phải kiên quyết kiểm soát chặt chẽ việc này.

 “Chúng ta phải sòng phẳng, không để doanh nghiệp lợi dụng tình trạng này nhập hàng Trung Quốc và xuất khẩu để 2 bên cùng có lợi cả doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam. Chính phủ phải có cách làm và hành động  hết sức kiên quyết để không gây ra hệ quả quốc gia”, Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Hiện nay, không ai có thể dự đoán được chính xác cục diện của cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ tiếp diễn như thế nào. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam hãy xem đây là cơ hội và thách thức để doanh nghiệp tái cấu trúc thương mại, tận dụng cơ hội mở rộng thị trường và giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất./.

Lệ Hằng/VOV-TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *