(kontumtv.vn) – Đêm qua (30/5) theo giờ Việt Nam tại Thủ đô Astana, Kazakhstan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi gặp mặt các doanh nghiệp Việt Nam.

Chủ đề của buổi gặp mặt là “ Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với Hiệp định FTA Việt Nam – Liên minh kinh tế Á-Âu”.

Sự kiện này do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam tổ chức nhằm thông báo nhanh những cơ hội và thách thức khi Hiệp định này chính thức có hiệu lực. Tham dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Đoàn cấp cao Chính phủ, Đại sứ Việt Nam tại các nước Liên minh kinh tế Á-Âu cùng gần 100 doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có một số doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh tại Nga, Belarus và Kazakhstan.

31-05 Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết

Các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp đang đầu tư kinh doanh tại Nga, Belarus và Kazakhstan chia sẻ những cơ hội rất lớn với nhiều ưu đãi về thuế quan và thủ tục để đẩy mạnh hợp tác đầu tư và xuất khẩu các mặt hàng lợi thế của Việt Nam vào thị trường 5 nước thành viên Liên minh với dân số trên 180 triệu dân, GDP lên tới trên 4.000 tỷ USD, chiếm 17% trữ lượng dầu khí toàn cầu…

Đơn cử như mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ hưởng thuế xuất 0% cùng nhiều mặt hàng khác vốn là thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giầy, đồ gỗ và một số sản phẩm chế biến cũng được hưởng nhiều ưu đãi.

Các doanh nghiệp trong Liên minh cũng sẽ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải…Theo tính toán kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh sẽ tăng khoảng 18 – 20% hàng năm và sẽ đạt con số ít nhất 10tỷ USD vào năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng lưu ý: “Riêng trong lĩnh vực hàng hóa, chúng tôi lưu ý phía bạn rất quan tâm đến xuất xứ hàng hóa và các chế tài xử lý các sai phạm trong xuất xứ hàng hóa. Bạn nói thẳng không muốn một nước thứ ba lợi dụng thỏa thuận giữa Việt Nam với Liên minh để tiêu thụ hàng hóa của họ. Chúng tôi rất mong trong quan hệ thương mại, nhất là xuất khẩu các doanh nghiệp hết sức giữ chữ Tín và thực sự là hàng hóa Việt Nam chứ nếu để sơ xuất, vi phạm nguyên tắc xuất xứ dẫn đến một sản phẩm hàng hóa nào đó  bị chế tài hoặc tạm dừng xuất khẩu sẽ ảnh hướng rất lớn đến lợi ích của chúng ta…”.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đề nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục tháo gỡ một số khó khăn hiện nay liên quan đến vận tải hàng hóa, cạnh tranh phá giá ngay giữa các doanh nghiệp Việt Nam, thậm chí có doanh nghiệp còn gian lận trong xuất khẩu gây mất uy tín của doanh nghiệp Việt Nam, hạn chế trong tiếp cận thông tin thị trường, thủ tục hành chính liên quan đến hải quan còn nhiều cản trở và khó khăn trong tổ chức thanh toán song phương….vvv.

Phát biểu với các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Liên minh kinh tế Á-Âu có trình độ phát triển khá cao với quy mô kinh tế khá lớn và bao gồm các quốc gia có tiềm lực quốc phòng mạnh, có vị trí, vai trò quan trọng trong khu vực và trên thế giới và đặc biệt cả 5 quốc gia thành viên Liên minh đều có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp với Việt Nam.

Hiệp định thương mại tự do được ký kết coi như Việt Nam có quan hệ kinh tế bình đẳng cùng có lợi với các nước thành viên Liên minh kinh tế Á-Âu. Đây là hiệp định lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng cả về chính trị và kinh tế, đem lại cơ hội thuận lợi mới cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức mà mỗi doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận trên một sân chơi rộng hơn, thuận lợi hơn nhưng cũng ngày càng khắt khe hơn mà không thể làm theo kiểu chộp giật, cung cấp sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Cứ nghĩ đây là thị trường dễ tính không phải đâu. Xuất khẩu cá basa mà cá ít, nước đá nhiều thì không ai mua?. Làm ăn như thế không giàu được đâu các đồng chí! Bây giờ thị trường này nhu cầu cao, đời sống cao, an toàn vệ sinh thực phấm như là một hàng rào kỹ thuật để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cho nên thấy thuận lợi chúng ta cũng phải thấy những khó khăn và chúng ta cùng nhau phát huy thuận lợi, khắc phục những hạn chế, yếu kém của mình và khó khăn để thúc đẩy sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đem lại lợi ích cho đất nước…”.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công thương có kế hoạch thông tin đến mọi người dân và cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ hai chiều cả thuận lợi và khó khăn của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, gắn với tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại đầu tư.

Thủ tướng thăm Đại sứ quán và nói chuyện với cộng đồng người Việt Nam

Thủ tướng cũng lưu ý hàng hóa Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường Liên minh kinh tế Á-Âu phải hình thành hệ thống, chuỗi phân phối đến các cơ sở thương mại. Muốn như vậy các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp phải gắn kết chặt chẽ trên cơ sở cùng có lợi với các doanh nghiệp Việt Nam ở các nước để tiêu thụ hàng hóa.

Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ đã mở cửa thị trường thông qua ký kết hiệp định thương mại tự do nhưng con số 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu vào năm 2020 có thành hiện thực hay không phụ thuộc vào các bộ, ngành liên quan có tích cực giải quyết dứt điểm các vướng mắc, khó khăn hiện nay hay không và mỗi doanh nghiệp có nắm bắt, tận dụng được thời cơ để đẩy mạnh hợp tác đầu tư kinh doanh cùng phát triển trong thị trường bình đẳng cùng có lợi với các đối tác hay không…vvv.

Sáng nay (31/5), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng phu nhân và Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta rời Thủ đô Astana, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc tại Kazakhstan và sang Algeria bắt đầu chuyến thăm chính thức nước này theo lời mời của Thủ tướng Abdelmalek Sellal từ hôm nay đến ngày 2/6 tới./.

Thành Chung/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *