(kontumtv.vn) – Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổ công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng vừa công bố Báo cáo đầu tư công tại 6 tỉnh gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Theo đó, số vốn giải ngân đến hết ngày 30/11/2021 của 6 địa phương nói trên là 18.288,782 tỷ đồng, đạt 67,74% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm, đồng thời cao hơn bình quân cả nước là 63,86%.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện giải ngân đầu tư công, các địa phương đều gặp phải khó khăn chung do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 tác động lớn đến các hoạt động của dự án, nhất là dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài…

Ghi nhận những khó khăn mà các địa phương đang phải đối mặt song theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, trong cùng mặt bằng chính sách, cùng khó khăn, tỷ lệ giải ngân của các địa phương rất lại khác nhau. Trong số 6 địa phương, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất đạt 70,11%, còn 2 địa phương dưới 60%.

“Thực tế đó cho thấy, nguyên nhân chính là do tổ chức chỉ đạo, điều hành của mỗi địa phương”, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.

Vấn đề kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân vốn kế hoạch năm 2021 sang năm 2022; điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021, ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công và Nghị định hướng dẫn thì giải ngân chỉ trong một năm, việc kéo dài vốn chỉ xem xét với từng dự án và chỉ trong trường hợp bất khả kháng.

“Thời gian qua, Chính phủ đã báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc kéo dài giải ngân vốn kế hoạch năm 2021, nhưng Uỷ ban thường vụ Quốc hội không đồng ý, yêu cầu thực hiện đúng quy định. Hay kiến nghị cắt giảm vốn ODA, Chính phủ đã báo cáo nhưng Uỷ ban thường vụ Quốc hội không thông qua, yêu cầu các địa phương tập trung triển khai tốt”, ông Trung cho biết.

Vì thế, việc kéo dài vốn kế hoạch năm 2021 sang năm 2022 hay trả lại vốn ODA năm 2021 để bố trí lại sau như kiến nghị của các địa phương là rất khó. Theo quy định, hết niên độ kế hoạch năm 2021 mà không giải ngân hết thì sẽ bị thu hồi và trừ luôn ở kế hoạch trung hạn 2021 – 2025, không được bố trí lại.

“Việc dự án không giải ngân hết dẫn đến bị thu hồi vốn là rất đáng tiếc và gây nhiều hệ lụy mà địa phương phải giải quyết. Trong trường hợp bị thu hồi vốn về, để dự án không bị dở dang, địa phương sẽ phải dùng dự toán năm 2022 của dự án khác để bố trí hoặc phải cắt giảm dự án khởi công mới khác. Các địa phương phải rất lưu ý để tập trung, quyết liệt giải ngân trong thời gian còn lại của năm”, Thứ trưởng lưu ý.

Thời gian từ nay đến khi kết thúc niên độ ngân sách năm 2021 không còn nhiều, để bảo đảm đạt được mục tiêu đã đề ra, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh vừa có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan cần tập trung vào 4 nội dung. Đó là, tiếp tục có giải pháp thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 19/6/2021, Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.

Việc xây dựng cụ thể kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cho từng dự án; tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch, bảo đảm tiến độ đề ra; đẩy nhanh tiến độ giải ngân phải gắn với việc kiểm soát chất lượng và thực hiện theo đúng quy định.

Cùng đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, khẩn trương có văn bản cam kết về tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2021, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Riêng kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 kéo dài sang năm 2021 phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt 100%.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu khẩn trương tổng hợp trong Báo cáo chung về tình hình, kết quả kiểm tra của các Tổ công tác; trong đó, báo cáo rõ về tình hình giải ngân của các bộ, cơ quan trước khi kiểm tra, các khó khăn, vướng mắc, các nguyên nhân (khách quan, chủ quan) ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân, các kiến nghị (nếu có), cam kết về tỷ lệ giải ngân khi kết thúc niên độ ngân sách năm 2021.

Trên cơ sở đó, đề xuất các kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định tại Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Thúy Hiền (TTXVN)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *