(kontumtv.vn) – Hành động này để kịp thời ban hành, sửa đổi chính sách giúp hàng Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường hội nhập.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đánh giá sẽ đem lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Bởi thị trường rộng lớn của các quốc gia tham gia TPP sẽ tạo ra sân chơi với đóng góp trên 40% GDP và khoảng 30% trao đổi thương mại toàn cầu. Đến thời điểm hiện nay, quá trình đàm phán để ký Hiệp định TPP giữa các quốc gia tham gia đang đến hồi chung cuộc.

TPP được đánh giá sẽ hỗ trợ mục tiêu chiến lược của Việt Nam nhằm công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa.

Nếu TPP được ký kết trong năm 2014 như kỳ vọng, ngay từ bây giờ, nhiều chuyên gia cho rằng, đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động trang bị cho mình những kiến thức và năng lực cần thiết mới có thể “ra sân” và giành kết quả.

Nhà nước và doanh nghiệp phải cùng làm chính sách

TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc tham gia Hiệp định TPP của Việt Nam sẽ mở ra cho doanh nghiệp một thị trường rất lớn để có thể bán ra sản phẩm với rất nhiều yêu cầu khác nhau, có nhiều phân khúc thị trường. Tuy nhiên, để có thể tham gia sân chơi này, các doanh nghiệp cũng phải tập dượt, trang bị cho mình thêm những kiến thức về kinh tế quốc tế.

TS Nguyễn Đức Kiên

Theo phân tích của ông Kiên, bài học đã rút ra từ các Hiệp định trước, trong đó tiêu biểu là gia nhập WTO, cho thấy: “Lúc đầu, khi nói khi hội nhập với các thị trường khác, chúng ta chủ yếu nhìn thấy mặt mạnh mà không nhìn thấy những thách thức phải đối mặt. Biểu hiện là khi vào WTO, tham gia Hiệp định Thương mại Tự do với Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có một bước tăng trưởng ngoạn mục vào thị trường Hoa Kỳ. Nhưng hàng thủy sản vào Hoa Kỳ lại liên tiếp gặp những vụ kiện.

Cho nên, ngay từ bây giờ, doanh nghiệp Việt Nam phải hiểu rằng, “trong một nền kinh tế hội nhập, việc tranh tụng pháp lý trong quá trình thương mại là chuyện tất yếu xảy ra và chúng ta phải chuẩn bị ứng xử với nó”.

Lấy ví dụ cụ thể, ông Kiên phân tích: Tham gia TPP, doanh nghiệp phải sẵn sàng rằng, nếu một số mặt hàng (như thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng gà… ) mà ta không đủ sức cạnh tranh, sẽ buộc phải mở cửa cho hàng của nước khác xâm nhập thị trường. Như vậy, các nhà doanh nghiệp và Nhà nước phải cùng nhau tham gia vào quá trình hoạch định chính sách. Từ đó có thể kịp thời ban hành, sửa đổi cơ chế chính sách giúp sản phẩm của Việt Nam có giá thành, chất lượng hợp lý để cạnh tranh trên thị trường hội nhập.

Một trong những vấn đề khác liên quan đến nông nghiệp mà Việt Nam sẽ phải đối mặt thách thức khi tham gia TPP, đó là hiện ta chưa chủ động được thức ăn gia súc mà vẫn chủ yếu phải nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này sẽ đẩy chi phí đầu vào ngành chăn nuôi gia súc tăng cao. Khi tham gia thị trường cạnh tranh, lợi nhuận sẽ bị hạn chế, giảm tính cạnh tranh.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng

Nhìn ở góc độ đầu tư, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh cho rằng, vào TPP là cơ hội cho Việt Nam thâm nhập vào thị trường lớn, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, tham gia vào TPP cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. Nếu Việt Nam tận dụng được các cơ hội này, Việt Nam sẽ có nhiều thị trường xuất khẩu, cơ chế ưu đãi, thậm chí thuế suất bằng 0% đối với những thị trường khó tính như Nhật Bản, nếu hàng hóa Việt Nam nếu như đạt tiêu chuẩn.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh

Thuận lợi nữa là, thông qua TPP thị trường Việt Nam cũng được mở cửa đối với các nước. Sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng như tập đoàn sẽ đầu tư vào Việt Nam, tham gia vào thị tường TPP.

Ví dụ, đối với ngành dệt may, hiện đang nhập nguyên liệu tới 70-80%, nguyên liệu đầu vào trong ngành dệt may từ Trung Quốc. Tới đây, khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ được sử dụng nguyên liệu đầu vào nhập khẩu trong các nước trong TPP, không được nhập từ nước khác. Đó là một điều kiện. Nếu không có điều kiện này, hàng Việt Nam không xuất đi được các thị trường tham gia TPP, không được hưởng cơ chế ưu đãi.

Và Việt Nam phải nhập từ nước khác vào, và phải sản xuất tại trong nước. Vấn đề đặt ra là sản xuất trong nước thì vẫn thu hút rất nhiều nhà đầu tư lớn của nước ngoài đầu tư tại Việt Nam để nhập nguyên liệu sản xuất tại trong nước.

Khi sản xuất tại Việt Nam được thu hút, FDI tăng lên làm cho sản phẩm của Việt Nam không chỉ gia công như trước đây nữa mà sản phẩm có từ sản phẩm sợi, các sản phẩm khác và đi đến sản phẩm cuối cùng. Như thế “chúng ta làm tốt khâu thiết kế thời trang, giá trị sản phẩm của Việt Nam gia tăng và giá trị gia tăng từ khâu đầu đến khâu cuối của Việt Nam được tăng lên mỗi sản phẩm dệt may. Chắc chắn khi vào TPP, Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để xuất khẩu ra nước ngoài, đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam”./.

Xuân Thân – Thu Thủy/VOV online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *