(kontumtv.vn) – Giá dầu giảm thấp nhất trong 6 năm qua là nỗi lo trực diện kinh tế và nguồn thu ngân sách sụt giảm. Tuy nhiên, về dài hạn, đây sẽ là bài học lớn để thúc đẩy cải cách kinh tế một cách mạnh mẽ hơn. Những khó khăn trước mắt do giá dầu giảm chính là sức ép để vươn tới một nền kinh tế sáng tạo hơn.

Ứng phó linh hoạt, tháo gỡ điểm nghẽn

Trong 3 phiên giao dịch đầu tháng 2, giá dầu thế giới bất ngờ tăng trở lại tới gần 20%, vượt mốc 50 USD/thùng và thậm chí, tiến sát mốc 60 USD/thùng. Hôm 3/2, giá dầu Brent ở mức 58,52 USD/thùng, còn giá dầu WTI cũng lên tới 53,87 USD/thùng, trong khi tuần trước đó, giá dầu chỉ ở mức 44- 45 USD/thùng.

TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận, giá dầu diễn biến phức tạp và thời gian gần đây là bất thường. Với mức tăng 19% trong vài phiên đầu tháng 2/2015, nhiều tổ chức đã dự báo giá dầu có thể hồi phục trở lại cuối năm 2015. Điều này cho thấy, không có điều gì chắc chắn là giá dầu chỉ tác động theo một chiều nào đó. Chúng ta sẽ phải tính toán đến sự khôn lường đó như một yếu tố rủi ro nhiều hơn là cơ hội.

Hiện vẫn có 2 luồng ý kiến đánh giá về tác động của giá dầu. Cuộc họp của bốn Bộ trong Tổ điều hành kinh tế vĩ mô đã thể hiện quan điểm nền kinh tế sẽ tận dụng được nhiều cơ hội lớn từ việc giá dầu đi xuống. Cả ba kịch bản với các mốc giá dầu 60 USD/thùng, 50 USD/thùng và 40 USD/thùng đều cho thấy, GDP năm 2015 sẽ tiếp tục tăng. Các kịch bản khác kể cả trong trường hợp giá dầu xuống mốc 30 USD/thùng, GDP của Việt Nam vẫn theo chiều hướng tăng so với 2014, khớp với các dự báo của IMF và WB.

Thế nhưng, trong báo cáo kinh tế Việt Nam của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương vừa công bố, cũng có kịch bản dự báo, GDP 2015 sẽ giảm so với năm 2014. Tác động sẽ là tiêu cực chứ không phải tích cực.

“Với Việt Nam, giá dầu giảm không có tác động ngay và nhanh đối với giá cả của nền kinh tế như ở các nước có kinh tế thị trường nhanh nhạy và cạnh tranh. Chúng ta thấy rõ hơn ở trường hợp giá cước vận tải”, TS Lê Đăng Doanh đánh giá.

dầu-thô, giá-dầu, xăng-dầu, cước-vận-tải, doanh-nghiệp, kích-thích, cú-sốc, áp-lực, kịch-bản
Giá dầu giảm thấp nhất trong 6 năm qua

Ông kể: “Tôi hỏi các DN thì họ trả lời rằng, trước kia họ còn kiếm được lại vì luôn chở quá tải. Giờ, phải chở đúng trọng tải theo quy định siết chặt của Bộ GTVT, rồi bị nhiều lực lượng đến chào hỏi nên “tốn kém” hơn. Vì thế, họ chậm giảm giá và mức giảm giá không tương xứng với giá xăng dầu giảm”.

TS Doanh nhấn mạnh: “Việt Nam nếu muốn tận dụng cơ hội từ giá dầu giảm, cần phải tiếp tục cải cách thể chế kinh tế thị trường. Đặc biệt, cần phải có vai trò mạnh mẽ hơn nữa các hiệp hội, tổ chức, xã hội dân sự khác. Sự giám sát lên tiếng của Hiệp hội bảo về người tiêu dùng cũng phải thực hiện tốt hơn”.

Ngay cả các giải pháp ứng phó để tăng thu ngân sách, bù cho giá dầu cũng phải xem lại. “Tăng thu từ việc tăng thuế xăng dầu là dễ nhất, cứ nhập tấn nào là tiền vào ngân sách rất nhanh, rất chắc chắn”, TS Doanh nói.

Thắt chặt chi tiêu, trữ nguyên liệu rẻ

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Việt Nam cũng bày tỏ: “Áp lực từ diễn biến giá dầu đòi hỏi thể chế, cách thức quản lý của chúng ta phải ứng phó tốt uyển chuyển, không cứng nhắc để giảm sốc từ các tác động bên ngoài. Ví dụ, trong trường hợp này, rõ ràng, phải tăng sức mạnh tiềm lực tài chính của Chính phủ, phải có nhiều dự trữ ngoại tệ hơn nữa”.

“Trong bối cảnh này, chính sách tài khoá càng phải chặt chẽ hơn, giảm thâm hụt ngân sách, cắt giảm chi. Chính sách này phải làm sao để có dư địa dành cho sau này, khi ta cần mở tài khoá, cho vay thêm chi tiêu thì có thể cho vay được mà không làm mất ổn định kinh tế vĩ mô”, TS Cung phân tích.

dầu-thô, giá-dầu, xăng-dầu, cước-vận-tải, doanh-nghiệp, kích-thích, cú-sốc, áp-lực, kịch-bản
Nhiều doanh nghiệp đang cấp tập tận dụng cơ hội dầu giảm để tăng sức mạnh của mình.

TS Lương Văn Khôi, Trưởng Ban kinh tế thế giới, Trung tâm nghiên cứu và dự báo kinh tế quốc gia cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên nới lỏng chính sách tiền tệ và cắt giảm tiếp lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, ứng phó với cú sốc giá dầu giảm hiện nay.

Tuy nhiên, theo TS Cung, về hình thức bên ngoài, khi giá dầu giảm, lạm phá thấp như hiện nay, chúng ta có thể làm vậy, ai cũng mong như vậy. Nhưng tình hình hiện nay, giải pháp này không khả thi vì chúng ta không còn dư địa nhiều cho việc giảm lãi suất.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp đang cấp tập tận dụng cơ hội dầu giảm để tăng sức mạnh của mình.

Chẳng hạn như doanh nghiệp ngành nhựa, chất dẻo, theo TS Doanh, những tháng cuối năm 2014 đã tranh thủ giá rẻ, mua dự trữ rất lớn, phòng khi giá phục hồi sẽ ở thế chủ động và có lãi. Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã dự kiến dự trữ 1-1,5 triệu tấn dầu.

Từ giá dầu giảm, nhiều nguyên liệu đầu vào của nền sản xuất cũng đang giảm rất mạnh. Ví dụ, nguyên liệu nhựa đã giảm 20% so với quý III/2014, giảm 6-8% so với trung bình cả năm 2014, giá cao su giảm 10-15%, giá quặng sắt giảm tới 40%, giá khí giảm 20%.

Nhờ đó, những công ty đã lên sàn chứng khoán như Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Cao su đã dự báo có lãi lớn. Riêng quý IV/2014, Nhưạ Bình Minh, Đạm Phú Mỹ, Hoá chất Lâm Thao, Thép Việt Ý, thép Hoà Phát… tha hồ báo lãi lớn.

So với năm 2008-2009, giá dầu giảm hiên nay có nét tương đồng nhưng hành xử chính sách của Chính phủ khác nhiều.

Năm 2009, Việt Nam đã tăng mạnh khai thác dầu thô, tới 10,3% trong khi, xuất khẩu chỉ tăng được 9,1%. Kèm theo đó, kinh tế suy thoái nên Chính phủ đã tung gói kích thích tới 150 ngàn tỷ đồng, với chính sách hỗ trợ lãi suất 4%. Cho đến nay, tác dụng ngược của gói kích thích này vẫn còn dư âm ở nhiều DN.

Còn hiện nay, nền kinh tế đang khá ổn định, lạm phát thấp, lãi suất đã giảm mạnh. Chính phủ đã chủ động các phương án giá dầu giảm và sẽ giảm sản lượng khai thác ở các mỏ giá cao. Đồng thời, cũng sẽ điều hành một chính sách thu thuế khoan sức dân, bù đắp từ nguồn thu nội địa.

Phạm Huyền/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *