(kontumtv.vn) –  Những năm gần đây, cây ăn quả đang trở thành một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao được nông dân quan tâm phát triển, do vốn đầu tư thấp, công chăm sóc không nhiều, trong khi hiệu quả kinh tế được đánh giá cao so với một số loại cây công nghiệp khác.

Năm 2018, chị Nguyễn Thị Quyên ở thôn 7, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà bắt đầu chuyển đổi 01 ha cây cao su sang trồng các loại cây ăn quả. Năm 2021, chị thu khoảng 200 triệu đồng từ cam, quýt. Còn năm nay, chị Quyên có thêm thu nhập từ 100 cây sầu riêng đang bắt đầu thu quả bói. Chị Quyên chia sẻ: “Tôi thấy cây ăn quả này nó rất đạt, hiệu quả hơn, có thu nhập hơn cây cao su nhiều. Nguồn thu nhập cũng ổn, giá cả thì bỏ sỉ, bỏ lẻ rất là mạnh.”

Bên cạnh chuyển đổi trồng thuần, nhiều nông dân trồng xen cây ăn quả với cây cà phê. Mặc dù một số cây ăn quả đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao nhưng bù lại người nông dân tiết kiệm được chi phí nhân công, đỡ vất vả hơn. Đồng thời tận dụng được quỹ đất, tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác, cũng như tránh rủi ro nếu giá cả các mặt hàng nông sản khác bấp bênh. Theo anh Lê Hào Hùng ở thôn Plei Lay, xã Ia Chim, TP. Kon Tum, nếu thuận lợi về thời tiết, về sản lượng hàng năm thì cây ăn quả có thể thu đạt tầm trên 60-70% so với các cây công nghiệp khác như cà phê, cao su…

Ngoại trừ một số loại cây ăn quả không còn được người tiêu dùng ưa chuộng dẫn đến giá cả thấp, hiện tại giá sầu riêng bán xô tại vườn đang dao động từ 35.000 – 45.000 đồng/kg; giá bơ từ 15.000 – 30.000 đồng/kg tuỳ từng thời điểm. Thu nhập từ trồng mít khoảng 200.000 đồng/ngày khi vào mùa thu hoạch. So với vốn đầu tư hàng năm, các mức giá này cơ bản đảm bảo lợi nhuận cho người trồng. Ông Nguyễn Hoài Tâm – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Đến thời điểm này cơ bản một số loại cây ăn quả chủ lực như là sầu riêng, bơ cơ bản người dân tiêu thụ là ổn định. Chưa có hộ nông dân hoặc là HTX nào mà cây ăn quả là không tiêu thụ được trên thị trường trong giai đoạn hiện nay.”

Luỹ kế đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có hơn 8.600ha cây ăn quả. Chủ yếu là sầu riêng, bơ, mít, chuối, ổi và một số cây có múi khác, tập trung nhiều nhất tại các huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Hà, TP. Kon Tum. Trong đó, sầu riêng được người nông dân đầu tư phát triển mạnh. 01ha cây sầu riêng trồng thuần có thể cho thu nhập cao gấp 3 lần diện tích cây cao su./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *