(kontumtv.vn) – Trong điều kiện bình thường cũng như trong tình hình dịch bệnh, điệp khúc ‘giải cứu’ nông sản vẫn lặp lại trong nhiều năm nay, tuy nhiên, dường như vẫn chưa có được một mô hình hay giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề này.

“Phép thử” từ giải cứu nông sản vùng dịch

Những ngày cuối tháng 2, sau hàng tuần tỉnh Hải Dương chính thức tiến hành phong tỏa toàn tỉnh để phòng chống dịch COVID-19, những chuyến xe “giải cứu” nông sản Hải Dương đầu tiên về đến Hà Nội. Người dân Hà Nội đội nắng, đội mưa xếp hàng mua rau, củ giải cứu cho những người nông dân vùng dịch Hải Dương. Tấm lòng chia sẻ đã được lan tỏa, góp phần nào tháo gỡ khó khăn cho bà con vùng dịch.

Tuy nhiên, đến thời điểm những chuyến xe chở nông sản đầu tiên được lưu thông, thì đã có rất nhiều người dân đã phải tự tay đổ bỏ nông sản của mình do không thể mang đi tiêu thụ được, tính sơ bộ, toàn tỉnh Hải Dương thiệt hại hàng tỷ đồng. Do những vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản các vùng có dịch, các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với tỉnh Hải Dương. Bên cạnh đó, quy định hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa có nhiều điểm chưa phù hợp, dẫn đến việc nông sản bị tồn ứ khó tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nối tiếp ngay sau nông sản Hải Dương, ở nhiều địa phương khác như Hưng Yên, Nghệ An và cả Vĩnh Phúc, Hà Nội cũng “kêu cứu” vì nông sản thu hoạch mà không tiêu thụ được.

Trước đó, vào dịp cận Tết, Ninh Thuận cũng phải hô hào “giải cứu” dưa hấu, dù giá rớt xuống 1.000 – 1.500 đồng/kg; rau xà lách, bắp cải ở Gia Lai; Phú Yên cũng kêu gọi giải cứu hoa lay ơn khi thương lái bỏ cọc không lấy hoa tuần cận tết…

Những câu chuyện thực tế như trên đã đặt ra câu hỏi về vấn đề tiêu thụ nông sản bền vững trong tình hình mới. Từ thời điểm lần đầu tiên dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 đến nay đã hơn một năm, đây cũng không phải là lần đầu một địa phương, một khu vực bị phong toả, giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ; song dường như cho đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn nào cụ thể, mang tính hệ thống trong việc hỗ trợ, lưu thông hàng hoá từ vùng có dịch. Câu chuyện “giải cứu” nông sản ở Hải Dương vừa qua cho thấy nhiều bài học đắt giá trong khâu tiêu thụ nông sản và quy trình xử lý trong các tình huống khẩn cấp, hạn chế thiệt hại cho nền kinh tế của địa phương và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Chú thích ảnh
Hội phụ nữ phường Hiến Thành (Hải Dương) thu hoạch và bán bắp cải giúp các gia đình đang bị cách ly, phong tỏa. Ảnh: Mạnh Minh.

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết, kinh nghiệm của các nước khi có phong tỏa diện rộng là họ có hệ thống, bố trí lực lượng sẵn sàng, khi xảy ra dịch thì nhân dân và nhà nước phối hợp giải quyết.

TS Đặng Kim Sơn nêu ví dụ tại Trung Quốc, phần lớn nông dân đều liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất nên việc giải cứu nông sản chủ yếu do doanh nghiệp thực hiện nên tương đối thuận lợi. Còn tại Hà Quốc, Nhật Bản thì việc thu mua, xử lý thậm chí là bán lẻ hàng hóa và xuất khẩu nông sản được giao cho tổ chức của nông dân. Các tổ chức này có kho lạnh, ô tô, cảng, hệ thống vận tải nên điều tiết thuận lợi, bộ ngành, Chính phủ ít phải can thiệp.

“Ở Việt Nam, nhiều khi những việc này đổ lên bộ, ngành mà thực ra bộ ngành khó xử lý. Vất vả nhất là địa phương và nhân dân. Nên thời gian qua, vai trò lãnh đạo của địa phương quan trọng, là bài học quý cho tương lai”, TS Đặng Kim Sơn cho hay.

Theo TS Đặng Kim Sơn, chúng ta có rất nhiều bài học, đó là phải phân cấp cho các tổ chức chính trị, xã hội, hiệp hội như đoàn thanh niên, hợp tác xã… Cùng với đó, bộ ngành đóng vai trò quan trọng trong liên kết, điều chỉnh hoạt động giữa các địa phương để tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa.

“Về lâu dài cần phát triển kinh tế hợp tác, giao cho các tổ chức đại diện của nông dân bảo quản chế biến và tiêu thụ nông sản nhưng phải xây dựng được hệ thống chế biến, đưa doanh nghiệp vào chuỗi này. Đặc biệt, cần hình thành chuỗi tổng hợp, khi cần thì điều hành từ khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ ra các siêu thị”, TS Đặng Kim Sơn đề xuất.

Tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững

Bên cạnh những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hay “giải cứu nông sản” đã lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua đã gây ra thiệt hại lớn cho người nông dân cũng như ngành nông nghiệp.

Theo các chuyên gia, để giải quyết câu chuyện đầu ra cho nông sản một cách cơ bản, lâu dài cần có những giải pháp căn cơ, có tính khả thi hơn là dựa vào “giải cứu”.

Ông Dương Thái Trung, Trưởng phòng Hàng hoá dịch vụ (Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) cho biết, trong những năm gần đây, tình trạng dư thừa nguồn cung một số loại nông sản vẫn tiếp tục xảy ra, dẫn đến khó khăn cho công tác tiêu thụ và gây thiệt hại cho người nông dân do giá trị gia tăng nông sản thấp.

Theo ông Trung, nguyên nhân của tình trạng này là do quy mô sản xuất đặc thù của nước ta theo hộ nông dân nhỏ lẻ, phân tán nên hoạt động nuôi, trồng diễn ra tự phát và theo phong trào xuất phát từ tín hiệu thu mua của các thương lái trong và ngoài nước. Do sự thiếu hụt đột biến nguồn cung tạm thời của thị trường, dẫn đến việc các hộ nông dân mở rộng quy mô sản xuất liên tiếp, tràn lan khiến nguồn cung nội địa vượt nhu cầu thị trường, tạo sức ép lên giá trong nước, gây khó khăn cho tiêu thụ. Điều này cho thấy công tác kiểm soát tổ chức sản xuất tại các địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả, không kiểm soát được nguồn cung, dẫn đến câu chuyện “giải cứu” như đã diễn ra vừa qua, kể cả trong điều kiện bình thường và dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Người dân mua nông sản Hải Dương “giải cứu” tại siêu thị Co.opmart Hà Đông.

Để giải quyết triệt để các vấn đề nêu trên, đặc biệt là tình trạng không ăn khớp giữa sản xuất nông nghiệp-thị trường tiêu thụ (trong nước và xuất khẩu), nghĩa là hiện sản xuất chưa theo “tín hiệu” của thị trường, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, cần thực hiện tốt công tác tổ chức sản xuất- phân phối đảm bảo cung ứng sản phẩm nông sản đáp ứng đúng yêu cầu của từng thị trường. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần phải bám sát và triển khai hiệu quả 3 vấn đề chính, đó là: Quy hoạch – Chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm – và Tổ chức kênh tiêu thụ nông sản.

“Đặc biệt, chú trọng các giải pháp mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ, bao gồm thị trường trong nước và quốc tế. Cụ thể hóa các nội dung trên, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, xây dựng trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”, ông Trung cho hay.

Ông Trung cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất an toàn và kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi bán ra thị trường, bảo đảm nông sản được tiêu thụ trong chuỗi đáp ứng tiêu chuẩn không chỉ trong nước mà theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu trong ngắn hạn và dài hạn làm cơ sở để định hướng sản xuất nông sản theo yêu cầu của thị trường.

Cùng với đó, hiện đại hóa công tác sản xuất, kinh doanh, chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, quáng bá nông sản; xây dựng thương hiệu nông sản, từng bước mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; hạn chế việc lệ thuộc vào một số thị trường giảm rủi ro, nâng cao giá trị nông sản.

Bộ cũng sẽ chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, quáng bá nông sản; xây dựng thương hiệu nông sản, từng bước mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; hạn chế việc lệ thuộc vào một số thị trường giảm rủi ro, nâng cao giá trị nông sản.

Ông Trung cho hay, thời gian tới cũng cần rà soát, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản và các chính sách ưu đãi, phát triển hạ tầng thương mại để tạo đồng bộ, thuận lợi cho phát triển các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, đặc biệt tại khu vực nông thôn và các loại hình có tính lan tỏa như trung tâm logistic, chợ đầu mối.

“Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đặc biệt là các chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ các chủ thể tham gia liên kết tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích nghiên cứu xây dựng thương hiệu nông sản”, ông Trung nhấn mạnh.

Bộ Công Thương hướng dẫn thu mua, tiêu thụ hàng hóa vùng dịch 

Sáng 2/3, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã ký công văn số 1083, hướng dẫn thu mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nông sản của vùng đang có dịch.

Theo đó, sản phẩm hàng hóa, nông sản sản xuất và lưu thông trên địa bàn phải bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, hoạt động vận tải qua lại, đi, đến vùng, khu vực, địa điểm có dịch nhất là tại các vùng kinh tế trọng điểm phải tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của ngành y tế, giao thông vận tải và các quy định hiện hành khác.

Bộ Công Thương đề nghị, khi cần thiết, sẽ chỉ định cơ quan đầu mối tại địa phương (đặc biệt là các địa phương đang có dịch) để cấp các giấy tờ liên quan theo quy định về phòng chống dịch đối với sản phẩm hàng hóa, nông sản cho các tổ chức, cá nhân thu mua, tiêu thụ, đồng thời giải quyết nhanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân này thực hiện hoạt động kinh doanh trên địa bàn.

Bài, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *