(kontumtv.vn) – Hàng trăm nông dân tại huyện Tu Mơ Rông đang phải đối mặt với khó khăn vì bị thiệt hại số lượng lớn cây sâm Ngọc Linh do mưa đá, sâu bệnh gây ra. Đây là loại cây dược liệu quý, góp phần phát triển kinh tế nên người dân rất mong sớm có các biện pháp hỗ trợ.

Trong đợt bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh lần này, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông bị nặng nhất. Xã có trên 260 hộ bị thiệt hại, với trên 20.800 cây. Trong đó, hộ ít thì vài chục cây, hộ thiệt hại nặng lên đến 2.000 cây. Người dân chủ yếu vay vốn từ  NHCSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư cho nông nghiệp, trồng cây Sâm Ngọc Linh nên sâm chết người dân không khỏi tiếc nuối và lo lắng. Anh Vũ Văn Khải ở thôn Long Hy, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Mình  trồng cây dược liệu, cây Sâm Ngọc Linh mình trồng cũng được 7,8 năm nay rồi như năm nay, như hộ gia đình nhà mình thiệt hại rất là nặng nề, giá trị đồng tiền lên đến cả trăm triệu đồng, thông qua đây cũng mong các cơ quan, đoàn thể nhà nước xem xét, hỗ trợ bằng phương pháp nào đó”.

Hơn 1 tháng trước, những luống sâm Ngọc Linh hai năm tuổi của gia đình anh A Roc ở thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông vẫn xanh tốt. Cây phát triển mạnh, hơn 1 năm nữa có thể khai thác. Nhưng tiếc thay, khoảng 400 cây sâm trong vườn hiện đã bị chết. Trong đó, chỉ còn 20% số cây củ chưa bị thối, có khả năng lên lại mầm vào năm sau. Với gia đình anh, đây là thiệt hại lớn vì diện tích sâm Ngọc Linh là toàn bộ tài sản của gia đình. Anh A Roc nói: “Vườn của tôi bị bệnh hơn 1 tháng, bị vàng lá, thối lá vài ngày là chết. Vườn của tôi 1000 cây là chết 50% rồi, tôi rất là lo lắng, tiền tôi đầu tư là vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội 100 triệu”.

Riêng huyện Tu Mơ Rông, thống kê ban đầu có trên 29.800 cây sâm Ngọc Linh bị chết do mưa đá và sâu bệnh, ước tính thiệt hại trên 8 tỷ đồng. Qua kết quả kiểm tra, cây sâm Ngọc Linh bị nhiễm bệnh chết rạp do nấm Phoma glomerata, nấm Rhizoctonia solani và nấm Phytophthora SP gây ra. Bệnh này trước đây đã từng xuất hiện rải rác trên diện tích trồng sâm Ngọc Linh nhưng tình trạng chết hàng loạt lần đầu tiên xảy ra, chủ yếu trên cây sâm 1 năm tuổi. Thời gian qua, người dân chưa áp dụng đúng, đồng bộ quy trình chăm sóc cây. Mặt khác, từ tháng 3/2022, khu vực trồng sâm Ngọc Linh có lượng mưa nhiều, thường xuyên có sương muối, ẩm độ cao tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh phát triển mạnh. Ông Dương Thái Khoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông cho biết, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, diện tích cây bị bệnh dễ tiếp tục lây lan. “Để khắc phục hạn chế dịch bệnh trên cây Sâm Ngọc Linh trong thời gian tới, trước mắt hướng dẫn cho nhân dân là kiểm tra vườn, tách các cây ra khỏi vườn, đồng thời triển khai các biện pháp kĩ thuật theo đúng các quy trình kĩ thuật như UBND tỉnh ban hành”, ông Dương Thái Khoa đưa ra một số giải pháp phòng, trừ sâu bệnh.

Sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao. Loại cây dược liệu này được huyện Tu Mơ Rông xác định phát triển kinh tế và là hướng đi thoát nghèo cho người dân. Do vậy, trên cơ sở hướng dẫn của ngành nông nghiệp về quản lý sinh vật gây hại trên cây sâm Ngọc Linh, các xã đang thực hiện cấp bách các biện pháp phòng, chống bệnh. Ông Dương Đình Chung, Chủ tịch UBND xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông nói: Ngay từ đầu khi phát hiện cây Sâm Ngọc Linh chúng tôi cũng đã báo cơ quan chức năng và phối hợp cùng cơ quan chức năng, bà con đi kiểm tra, thống kê lại số lượng thiệt hại do sâu bệnh và cũng có biện pháp ngăn ngừa sâu bệnh, thời điểm hiện tại dịch bệnh cũng đã được khống chế “.

Trước hạn chế về tài chính, quy trình kĩ thuật, người dân trồng sâm Ngọc Linh sẽ còn nhiều khó khăn khi khắc phục và mở rộng diện tích. Tuy nhiên, với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, hy vọng người dân sớm rút kinh nghiệm để phát triển hiệu quả, tránh thiệt hại./.

Cát Tiên – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *