(kontumtv.vn) – Các doanh nghiệp cần thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ thương hiệu, quyền lợi chính đáng đối với mỗi sản phẩm của mình.
Sáng 20/6, tại Hà Nội, Hiệp hội chống hàng giả bảo vệ thương hiệu Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) tổ chức Tọa đàm về xây dựng và bảo vệ thương hiệu, đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ; ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam và Cục Quản lý thị trường. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 8.800 vụ vi phạm về chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại. Tuy nhiên, trong số này mới chỉ có 25 vụ được khởi tố. Hàng giả đã và đang xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, ngành hàng, tập trung vào các mặt hàng chủ yếu như mỹ phẩm, bia rượu, bánh kẹo, thuốc, điện thoại, sữa, phân bón, đồ chơi trẻ em, điện tử – điện lạnh…
Tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ đang diễn ra phổ biến, gây thiệt hại đến ngân sách nhà nước, doanh nghiệp bị thất thu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng; môi trường kinh doanh và xã hội không an toàn là những thách thức của cả Nhà nước và xã hội.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tọa đàm. |
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan cho biết, tới đây, văn phòng Ban chỉ đạo 389 sẽ giám sát cũng như tham mưu cho ban chỉ đạo, chỉ đạo quyết liệt. Tiếp đó cần phải nêu để cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp có thương hiệu đã được xây dựng và hoạt động, kinh doanh có hiệu quả thì phải quan tâm, phối hợp, phản ánh kịp thời những thông tin liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cho cho các lực lượng thực thi.
Theo đó, Ban 389 quốc gia có đường dây nóng để có thông tin và tiếp nhận các thông tin này, cũng như các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố đều có đường dây nóng tiếp nhận và phản ánh.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện nay trên thị trường có 31 sản phẩm, ngành hàng đang bị sản xuất giả, nhái thương hiệu. Mức độ tràn lan của những mặt hàng này rất lớn, cả về quy mô và số lượng. Mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 30.500 vụ hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ. Điển hình như ở Quảng Ninh đã bắt 300 thùng hàng mỹ phẩm, 40 kg tem hàng giả. Ở Hà Nội, lực lượng chức năng vừa bắt giữ 30 tấn thực phẩm chức năng giả. Điều này cho thấy, các hành vi, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát.
Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này ngày càng gia tăng là do nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu của mình, chưa chủ động đấu tranh ngăn chặn kịp thời. Cùng với đó, Nhà nước, cơ quan chức năng chưa vào cuộc một cách nghiêm túc, thậm chí còn có hiện tượng tiếp tay, bao che cho các hành vi gian dối này. Đặc biệt, ý thức của người dân chưa cao, còn dễ dãi trong tiêu dùng…
“Các cơ quan chức năng cần quán triệt, xác định rõ nhiệm vụ chống buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ; Phải thể hiện rõ hơn vai trò, trách nhiệm trong bảo vệ thương hiệu, quyền lợi chính đáng thông qua các hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin; Tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông áp dụng các hình thức tuyên truyền tốt hơn nữa. Truyền thông chưa tốt là do công tác thông tin làm chưa tốt. Về phía các doanh nghiệp, các tập đoàn cũng như tổng công ty có thương hiệu và chưa có thương hiệu, cần phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, đăng ký kinh doanh, tuân thủ các quy trình tiêu chuẩn, điều kiện sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường; Thực hiện đầy đủ các quy định ghi nhãn hàng hóa, ghi mã số, mã vạch và các quy định về đo lường chất lượng”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu./.