(kontumtv.vn) – Nhằm giúp người dân, nhất là các hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện thay đổi nếp nghĩ, phương thức sản xuất nhỏ lẻ để từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện Ngọc Hồi đã triển khai mô hình nuôi gà an toàn sinh học, bước đầu mang lại hiệu quả, tạo động lực để người dân tiếp tục đầu tư, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.

Là một trong 05 hộ dân tộc thiểu số được tham gia Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, chị Y Nêm ở thôn Kei Joi, xã Đăk Xú được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Hồi hỗ trợ 200 con gà giống cùng thức ăn chăn nuôi. Chị cho biết, đây là lần đầu tiên gia đình thực hiện chăn nuôi gia cầm với quy mô hàng trăm con, dù có chút bỡ ngỡ, song được sự quan tâm hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp từ khâu làm chuồng trại, quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho đàn gia cầm nên bước đầu mô hình mang lại hiệu quả nhất định.

Ông Đoàn Thanh Nhã, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Ngọc Hồi cho biết, cùng với hỗ trợ giống, thức ăn, các hộ tham gia mô hình còn được chuyển giao công nghệ ủ, lên men thức ăn. Đây là quy trình kỹ thuật không quá khó nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi có thể tiết kiệm chi phí chăn nuôi, giúp người dân có thêm thu nhập và mở ra hướng chăn nuôi an toàn, bền vững, phù hợp điều kiện và khả năng chăn nuôi của người dân địa phương. Anh Bùi Văn Bằng, hộ tham gia mô hình tại thôn Xuân Tân, xã Đăk Xú phấn khởi chia sẻ: “Ngày xưa thì cho ăn cây chuối và gạo thì gà chậm lớn, còn nếu cho ăn cám tăng trọng thì gà lại không ngon, học được cách ủ men này thì tôi thấy là nó đạt hiệu quả cao hơn và chi phí cho con gà ăn nó thấp hơn, đạt hiệu quả cao về kinh tế”.

Sau gần 3 tháng triển khai mô hình, đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, không phát sinh các dịch bệnh nguy hiểm, tỷ lệ gà sống đạt trên 95% với trọng lượng bình quân 1,7- 2kg/con và đã có thể xuất bán. Với giá bán trung bình khoảng 60.000 đồng/kg, lợi nhuận các hộ thu được gần 05 triệu đồng/200 con gà. Ông Lương Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi cho biết: “Có thể nói là mô hình này đã đạt hiệu quả kinh tế tương đối cao. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho bà con Nhân dân đến thăm và học hỏi các mô hình này và  tổ chức nhân rộng mô hình ra trên địa bàn xã.”

Với những hiệu quả bước đầu sẽ là tiền đề để người dân, nhất là các hộ dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, học tập và làm theo, chuyển dần từ cách chăn nuôi gà truyền thống, nhỏ lẻ sang phương thức chăn nuôi gà bán công nghiệp theo hướng an toàn sinh học, nhằm hạn chế được dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững./.

CTV Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *