(kontumtv.vn) –  Với điều kiện thổ nhưỡng đặc trưng, những năm qua, phát triển dược liệu được xác định là một trong những thế mạnh của ngành nông nghiệp tỉnh Kon Tum. Việc chuyển đổi giống cây trồng truyền thống sang trồng cây dược liệu không chỉ làm thay đổi cơ cấu nông nghiệp của tỉnh mà còn giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định.

Sau hơn 3 năm phát triển dược liệu, cây Sâm dây và Đương quy hiện đang là những giống cây được đa số người dân lựa chọn, tham gia trồng. Đây là những loại dược liệu phù hợp với các vùng có khí hậu lạnh như huyện Kon Plông, Đăk Glei và Tu Mơ Rông. Sau 1 năm chăm sóc có thể thu hoạch và mang lại thu nhập đáng kể. Chị Quách Thị Ly ở thôn Măng Đen, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông cho biết: “Sâm dây đây là trồng từ hồi Tết. Bây giờ là khoảng 3 tháng mình thu lại được, ước lượng mình thu là với giá cả như bây giờ một tháng cũng được khoảng 14 – 15 triệu/tháng. Năm ngoái là hai vợ chồng một năm mình cả củ, cả lá là cũng được trên 100 triệu.”

Nếu người dân chăm sóc tốt, đối với 1 sào sâm dây, thu nhập bình quân khoảng 60 triệu đồng/năm; còn 1 sào đương quy có thể cho thu nhập 35 triệu đồng/năm. Tại huyện Kon Plông, sau 3 năm triển khai, huyện đã huy động khoảng 59 tỷ đồng để hỗ trợ, đầu tư phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn. Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kon Plông cho biết: “Huyện đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đối với các diện tích cây, các diện cây trồng thu hoạch không có hiệu quả. Ví dụ như là diện tích cây sắn, chuyển đổi mạnh mẽ, đồng bộ sang chuyển các cây có giá trị cao, đặc biệt là các cây dược liệu. Hiệu quả của các cây dược liệu được đánh giá cao như diện tích của cây sâm dây cũng như là diện tích 1 ha của cây đương quy thì nó có giá trị phải gấp 3 4 lần trồng trên một diện tích cây sắn.”

 Tỉnh Kon Tum được đánh giá có tiềm năng và thế mạnh để phát triển dược liệu. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 850 loại cây dược liệu, có thể đáp ứng nhu cầu lớn cho thị trường và trong các cơ sở khám chữa bệnh. Trong đó có một số loại có giá trị chữa bệnh và kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, Lan kim tuyến, Sâm dây, Đương quy…với sản lượng thu hoạch hàng năm rất cao. Ông Phạm Xuân Khanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết tỉnh đã bố trí 900 triệu đồng cho Trung tâm Khuyến nông thực hiện chính sách phát triển dược liệu tại 4 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông và Đăk Tô. Ngoài ra, từ nguồn lực kinh phí khuyến nông, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông xây dựng mô hình trồng đẳng sâm cho 40 hộ dân tham gia với kinh phí là khoảng 482 triệu đồng.

Giai đoạn 2020 – 2025, tỉnh Kon Tum phấn đấu trồng mới 14.500ha dược liệu, với mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp của ngành dược liệu trong tổng sản phẩm của tỉnh. Đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở các vùng có điều kiện phát triển dược liệu./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *