(kontumtv.vn) – Phấn đấu về đích NTM trong năm 2024, hiện nay, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà đang tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đạt tiêu chí 11 về nghèo đa chiều. Trong đó, tập trung hỗ trợ mô hình sinh kế cho 3 nhóm đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được xem là giải pháp trọng tâm. Qua các mô hình đã tạo tiền đề để người dân thay đổi tư duy và phát triển sinh kế bền vững hơn.
Dù đã đạt được những kết quả nhất định trong xây dựng thôn NTM, song, thôn Đăk Xế Kơ Ne, xã Đăk Long vẫn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện tiêu chí hộ nghèo và thu nhập. Thôn hiện còn 14 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo. Năm 2023, thu nhập bình quân của thôn ở mức 38 triệu đồng/ người/ năm. Ông A Sự, Bí thư chi bộ thôn cho biết muốn đạt mục tiêu thôn NTM trong năm nay, mức thu nhập bình quân đầu người cần đạt 47 triệu đồng/ năm.
Thời gian qua, để giúp người dân giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều mô hình sinh kế, trong đó, thôn Đăk Xế Kơ Ne có 20 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo được hỗ trợ bò giống sinh sản; 9 hộ gia đình được hỗ trợ giống heo sọc dưa; 9 hộ tham gia triển khai mô hình trồng cây mắc ca. Ông A Sự, Bí thư chi bộ thôn Đăk Xế Kơ Ne, xã Đăk Long cho hay: “Vận động tuyên truyền bà con xoá nhà tạm, cải tạo vườn tạp theo Nghị quyết 07 của Huyện uỷ. Hiện nay, chúng tôi đã có mô hình trồng cây ăn trái, mô hình cải tạo vườn tạp, mô hình nuôi heo sọc dưa. Hiện nay đàn heo phát triển tốt, có một số hộ đã bán sản phẩm heo cho các thương lái, heo này mang lại cải thiện cho hộ gia đình và thu nhập, cuộc sống bà con ổn định.”
Gia đình chị Y Tỷ ở thôn Đăk Xế Kơ Ne là 1 trong những hộ khó khăn được Nhà nước hỗ trợ mô hình sinh kế thời gian qua. Nhà chị có mảnh vườn rộng 0,8 hecta, trước đây chỉ trồng mỳ, thu nhập 1 năm khoảng 8 triệu đồng. Năm 2018, với số vốn ít ỏi tích góp được, gia đình chuyển đổi 0,3 hecta sang trồng cà phê. Dù vậy, diện tích đất còn lại vẫn lãng phí và không phát huy hiệu quả. Mới năm ngoái, gia đình chị Tỷ cùng một số hộ khó khăn trên địa bàn xã được Nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 01 bò giống và giống cây mắc ca. Chỉ chưa đầy 1 năm sau, bò nhà chị đã sinh thêm bê và vườn mắc ca đã bắt đầu phát triển. Từ động lực này, gia đình chị đã tích góp mua cây giống cao su để trồng trong mùa mưa năm nay. Chị kỳ vọng sẽ sớm phủ xanh 0,8 hecta vườn bởi cây cà phê, cao su và cây ăn trái. Chị Y Tỷ cho biết: “Ví dụ mình trồng cây mắc ca, cây ăn quả thì ví dụ giống như bò mình mong sau này gia đình mình đỡ khó khăn hơn. Phân bò mình có thể tận dụng nó chăm sóc cây mắc ca, cà phê, cây ăn trái khác. Cũng mong sau này trồng cây mắc ca, cà phê, cây ăn quả khác có thể giúp gia đình mình cải thiện hơn.”
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn từ 2021 – 2030, xã Đăk Long đã triển khai các mô hình đa dạng, phù hợp với thực tế địa phương. Đơn cư như từ nguồn vốn Chương trình MTQG, năm qua, UBND xã Đăk Long đã hỗ trợ 47 bò cái sinh sản cho 47 hộ tại 4 thôn Kon Đao Yốp, Đăk Xế Kơ Ne, Pa Cheng và Tua Team. Đồng thời, mở các lớp đào tạo nghề; triển khai dự án trồng cây mắc ca; nuôi heo sọc dưa… Qua đó, tạo tiền đề để người dân phát triển mô hình sinh kế, đóng góp trực tiếp cho công tác giảm nghèo trên địa bàn. Ông Hoàng Công Ái, Chủ tịch UBND xã Đăk Long cho biết: “Trong 3 năm nay, xã tập trung hỗ trợ bà con cây ăn quả, vật nuôi, rào vườn. Qua quá trình triển khai xây dựng các mô hình, tính đến nay, qua kiểm tra cũng rất hiệu quả. Bà con đã biết cải tạo vườn tạp, phá bỏ đi những cây già cỗi, lạc hâu, phá bỏ đi trồng cây mới như mít, sầu riêng, mắc ca để đảm bảo. Thứ hai chăn nuôi đang áp dụng chăn nuôi dê, heo sọc dưa, đã mở các lớp tập huấn, đào tạo nghề ngắn hạn cho bà con, bây giờ cơ bản bà con đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, huy động các tổ chức đoàn hội xuống cùng làm, giúp đỡ bà con với phương châm cầm tay chỉ việc.”
Để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo nói riêng cũng như về đích NTM nói chung, xã Đăk Long tiếp tục tập trung xác định các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng và tập quán canh tác của người dân để khuyến khích phát triển; đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số. Từ những mô hình này, xã Đăk Long kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực để bà con nỗ lực thoát nghèo./.
Chung Loan – Trọng Nghĩa