(kontumtv.vn) – Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quan trọng nhất là về thể chế và nguồn lực.
Chiều 23/5, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), trong đó, vấn đề thu hẹp đối tượng, phạm vi hỗ trợ được đưa ra nhằm tránh tình trạng hỗ trợ dàn trải, lãng phí trong bối cảnh nguồn lực có hạn.
Đại biểu Quốc Hoàng Quang Hàm (tỉnh Phú Thọ) phát biểu ý kiến về dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Không nên dàn trải
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, hỗ trợ DNNVV quan trọng nhất là về thể chế và nguồn lực. Với vấn đề nguồn lực, dự thảo không có hướng dẫn cụ thể về mức hỗ trợ, cách thức cũng như nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Theo ông Hàm, giai đoạn 2011-2-15 đã bố trí 1.200 tỉ đồng hỗ trợ DNNVV. Giai đoạn tới, chỉ cần duy trì được mức này đã là “đáng mừng” rồi, quy định thêm thì rất khó khăn.
Cũng bởi nguyên nhân nguồn lực nhà nước hạn chế, đại biểu Mai Ánh Tuyết (An Giang) nêu quan điểm: Việc hỗ trợ DNNVV không nên dàn trải. Thực tế, có 612.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó, DNNVV chiếm 97%-98%.
Trong số đó, bà Tuyết cho hay, có doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường, trốn thuế, sản xuất, kinh doanh thua lỗ không phục hồi được. Do đó, theo đại biểu này, các chính sách như dự thảo luật đưa ra là bất hợp lý trong bối cảnh ngân sách khó khăn.
“Hỗ trợ nên loại trừ doanh nghiệp sản xuất thua lỗ không có khả năng phục hồi, vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp sản xuất hiệu quả, không vi phạm pháp luật, đáp ứng các tiêu chí thì được hỗ trợ,” bà Tuyết nêu ý kiến.
Đồng thời, đại biểu đoàn An Giang lưu ý, cần quy định yêu cầu công khai minh bạch trong tiếp cận tín dụng nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp được vay vốn, góp phần bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp.
Cần ưu tiên doanh nghiệp khởi nghiệp
Đại biểu Mai Ánh Tuyết nhấn mạnh: Việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là chủ trương cần thiết tạo, tạo điều kiện phát triển sản phẩm mới, tạo đột phá cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, bà Tuyết nhận định, lĩnh vực này còn mới mẻ nên cần làm rõ khái niệm, nội dung tính chất, loại hình quy mô để hỗ trợ đúng đối tượng, tránh khe hở, nhầm lẫn…
Nữ đại biểu này cũng chỉ rõ: Thực tế, nhiều dự án rủi ro cao, khó có khả năng nhân rộng nên cần đòi hỏi tính lặp lại để hoàn thiện ý tưởng, nhân rộng mô hình sáng tạo thành công để được hưởng ưu đãi.
Nhất trí với nội dung thu hẹp đối tượng hỗ trợ, ưu tiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) cho rằng, doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cũng cần được ưu tiên hỗ trợ.
Ngoài ra, theo ông Hải, trường hợp DNNVV cùng đáp ứng tiêu chuẩn thì ưu tiên doanh nghiệp do nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn. Mặt khác, cần bổ sung thêm quy định để hạn chế tình trạng trục lợi, doanh nghiệp muốn “nhỏ” mãi mà không muốn “lớn”.
Chia sẻ quan điểm vể hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đánh giá, khái niệm nêu tại dự thảo khá chung và chưa rõ ràng cụ thể về việc phân loại doanh nghiệp thuộc loại nào, mô hình kinh doanh mới như thể nào, khả năng tăng trưởng nhanh đến đâu… để được hưởng ưu đãi.
Nhiều nội dung về điều kiện hưởng hỗ trợ không thống nhất giữa các cơ quan, các doanh nghiệp, không mang tính minh bạch. Về vấn đề này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị làm rõ quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo do ai thành lập, quản lý thế nào… Đồng thời, ông Tám cũng yêu cầu bổ sung các hành vi bị cấm nhằm ngăn ngừa hành vi lợi dụng hỗ trợ để trục lợi./.