(kontumtv.vn) – Trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, giao thương bị hạn chế đã dẫn đến tình trạng nông sản trong tỉnh bị dồn ứ, không thể xuất đi. Trước khó khăn đó, trong tháng 7, UBND tỉnh đã thành lập Tổ Công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối, cung ứng tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, gọi tắt là Tổ công tác 650. Nhờ đó, đã giải quyết được một phần đầu ra cho nông sản của địa phương trong điều kiện dịch Covid và kết nối với các thị trường tiêu thụ mới.

Có thể nói, sự thay đổi lớn nhất của ngành nông nghiệp tỉnh trong năm 2021 chính là việc kết nối, tìm kiếm đầu ra cho nông sản của địa phương trong điều kiện dịch Covid. Theo đó, từ việc lập các nhóm zalo chia sẻ thông tin cung, cầu ban đầu, Tổ công tác 650 đã xây dựng các sàn thương mại điện tử để kết nối nhu cầu cung cấp, thu mua các sản phẩm nông sản của các cá nhân, HTX, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản địa phương, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid bùng phát tại các tỉnh, thành phía Nam. Chị Hoàng Thị Lương, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ – Thương mại – Du lịch – Nông nghiệp Công nghệ cao Ia H’Drai cho biết: “Tham gia nhóm kết nối tiêu thụ sản phẩm này thì có rất nhiều lợi thế. Đó là mình quen biết được rất nhiều HTX, các đơn vị có nhu cầu về các sản phẩm và mình đã kết nối được rất nhiều doanh nghiệp trong cái nhóm này. Mình đã tìm được nguồn ra của sản phẩm; thứ hai là kết nối được nhiều mặt hàng ở trong các đơn vị.”

Ngoài ra, bắt đầu từ tháng 8/2021, Tổ công tác 650 của tỉnh tham gia đều đặn các Chương tình diễn đàn trực tuyến kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP do Bộ NN&PTNT tổ chức cho các tỉnh, thành phía Bắc, phía Nam và khu vực Tây Nguyên; nhằm giới thiệu, kết nối, xây dựng chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ cho các cá nhân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, trong năm 2021, đã kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản của bà con nông dân, HXT, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tại TP. HCM, bao gồm 13.000 gói combo thực phẩm với khối lượng 22 tấn rau, củ, quả; hơn 7 tấn thịt heo, gà, cá và hỗ trợ tiêu thụ trên 15 tấn bí đỏ cho bà con nông dân huyện Ia H’Drai. Ông Vũ Ngọc Hà, đại diện của HTX Bắc Tây Nguyên Farm cho biết: “Thực hiện theo hỗ trợ của tỉnh, huyện, đặc biệt là Sở Nông nghiệp, thì có kết nối họp trực tuyến với lại một số các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Đặc biệt là các thành phố lớn để tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Thì qua các buổi họp trực tuyến do tỉnh tổ chức, thì chúng tôi cũng đã kết nối được, ngoài việc tiêu thụ chuối; kết nối được hỗ trợ về các lĩnh vực khác. Ví dụ như là các nguồn vật tư nông nghiệp, rồi các quy trình sản xuất; sử dụng quản trị, ứng dụng công nghệ thông tin vào trong ngành nông nghiệp.”

Đồng thời, gần đây nhất, để giải quyết nguồn lao động thu hoạch nông sản trong dịp cuối năm, Tổ công tác 650 đã hướng dẫn các địa phương xây dựng các phương án chủ động nguồn lao động phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong đó, thành lập các Tổ, Đội sản xuất để vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch, vừa điều tiết kiệm được nguồn lao động tại chỗ và tạo thu nhập cho lao động của địa phương; đặc biệt là tại huyện Đăk Hà, thủ phủ cà phê của tỉnh với hơn 10.000ha cần thu hoạch trong niên vụ năm 2021. Anh Hà Văn Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà cho hay: “Trước mắt là giải quyết được vấn đề thu hái được trong tổ vì diện tích cà phê trên địa bàn các thôn cũng rất là lớn cho nên cũng cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong tổ họ với nhau thôi. Còn một số hội viên thì sau khi hoàn thành việc đổi công với nhau trong tổ thì họ vẫn tham gia thu hái cà phê để tăng thêm thu nhập của họ với giá thành nhân công rất là cao.”

Ông Nguyễn Văn Năm, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở NN&PTNT cho biết, trong năm, thông qua các chương trình diễn đàn trực tuyến, ngoài kết nối khả năng cung cấp các gói thực phẩm cho các siêu thị, cửa hàng tiện ích các tỉnh phía Nam, UBND tỉnh đã ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác với các công ty, tập đoàn lớn và thống nhất bằng các hợp đồng kinh tế với từng loại sản phẩm trong từng thời kỳ. Đồng thời, bước vào trạng thái bình thường mới, để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm, ngành NN&PTNT đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm và tham mưu UBND tỉnh ban hành Nghị quyết Đề án tổng thể hỗ trợ chính sách nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phát triển thêm các loại hình thương mại thích ứng, phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm giảm thiểu rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người sản xuất. Ông Nguyễn Văn Năm cho biết thêm: “Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư các doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; chủ động làm việc với các tập đoàn lớn đã có chủ trương đầu tư và liên kết tiêu thụ sản phẩm, để sớm triển khai thực hiện trên địa bàn. Thường xuyên cập nhật các thông tin về thị trường giá cả, các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới để kịp thời thông báo cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ cho nông dân kịp thời theo quy định của nhà nước; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và xây dựng các thương hiệu.”

Có thể khẳng định, trong năm 2021, thông qua các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh đã có thêm kinh nghiệm và thị trường tiêu thụ mới trong bối cảnh dịch Covid – 19. Đây cũng là động lực cho người sản xuất nông nghiệp của tỉnh chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Bước sang năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung đồng hành, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, cấp mã vùng cây trồng; xây dựng thương hiệu sản phẩm, hướng dẫn sản xuất đúng quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của các đối tác và tăng sức cạnh tranh sản phẩm trên thị trường./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *