Theo chương trình làm việc, đúng 8h hôm nay (28/5), tại Hà Nội, diễn ra cuộc gặp của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp dân doanh. Cùng tham gia buổi gặp gỡ, đối thoại này còn có 4 Phó thủ tướng và 9 vị Bộ trưởng. Chủ tịch thành phố Hà Nội và TP HCM cũng sẽ có mặt trong buổi gặp mặt này.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có khoảng 10 nhóm vấn đề chính được nêu lên với trên 300 các kiến nghị cụ thể, bao gồm các vấn đề liên quan về môi trường kinh doanh, tái cấu trúc DN, tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục hành chính, quan hệ lao động…
Theo kế hoạch, bên cạnh báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động và kiến nghị của DN tại Hội nghị, VCCI sẽ có một bản phụ lục chi tiết nội dung các khó khăn, vướng mắc và các đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết: “Đặc biệt, có một số đề xuất trực tiếp vào các dự thảo luật liên quan đến đầu tư – kinh doanh đang được sửa đổi” – ông Lộc nói.
Theo đánh giá của VCCI, hiện các DN tư nhân trong nước vẫn đang khá yếu ớt. Trong quý I/2014, con số DN phải giải thể hoặc đăng ký tạm dừng hoạt động, hoặc ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 16.745 DN, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 3.846 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 7,8%, có 10.318 DN ngừng hoạt động nhưng không đăng ký, tăng 9,3%, 2.581 DN giải thể, tăng 13,6%.
Một xu hướng được Chủ tịch VCCI nhắc tới và bày tỏ lo ngại, là việc khu vực DN tư nhân ngày càng nhỏ đi. Theo khảo sát của VCCI, hiện tại, số DN có dưới 10 lao động chiếm 60%, dưới 50 lao động là 93% và 99% DN có dưới 200 lao động.
“Rõ ràng, khu vực này đang thiếu các điều kiện tiên quyết, đó là quy mô và năng lực cạnh tranh, để có thể trở thành đối tác đủ sức tham gia vào các quá trình tái cơ cấu khu vực DN nhà nước cũng như hấp thụ được cả nguồn vốn và công nghệ trong những cải thiện tiếp tục của chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Điều này cũng có nghĩa là DN tư nhân trong nước sẽ không thể hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế – ông Lộc nói./.
Vũ Hạnh/VOV online