(kontumtv.vn) – Tỉnh Kon Tum hiện có gần 190 hợp tác xã với trên 9.600 thành viên và người lao động. Đối diện với những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, không ít hợp tác xã đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết, có những cách làm sáng tạo vượt qua thách thức và sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới thời kỳ hậu đại dịch.

Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Kô thành lập tháng 9/2009 tại huyện Đăk Hà. Hiện nay, hợp tác xã có hơn 110 thành viên, trong đó, gần 10 thành viên là hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 170 ha cà phê chuyên canh, hợp tác xã hiện là đơn vị cung cấp nguyên liệu cà phê rang xay chất lượng cao cho thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc… Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 bất ngờ bùng phát và đến nay vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của hợp tác xã. Trong gần 1 năm rưỡi, nhiều đơn hàng của đơn vị bị ứ đọng, trong khi cước tàu biển tăng gần gấp 10 lần đã khiến tiến độ xuất khẩu các đơn hàng chậm hơn so với kế hoạch.

Trước thực tế khó khăn này, để duy trì hoạt động sản xuất, lãnh đạo hợp tác xã khuyến khích các thành viên phát triển thêm diện tích cây trồng khác như đậu, mè để vừa có thêm thu nhập, vừa ổn định dinh dưỡng cho đất và giảm chi phí phân bón cho cây cà phê. Hợp tác xã đồng thời phát triển thêm 02 sản phẩm bán lẻ trong nước gồm cà phê bột pha phin với tỷ lệ 100% quả chín và trà gạo lứt chăm sóc sức khỏe. Sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh đã giúp hợp tác xã kịp thời thích nghi và vững vàng vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Năm 2020, doanh thu của đơn vị đạt gần 20 tỷ đồng với lợi nhuận gần 300 triệu đồng. Chị Phạm Thị Huyền Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Kô cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ có xuất khẩu và bán buôn thì bây giờ chúng tôi cũng có thời gian để mình suy nghĩ lại và xây dựng hệ thống để làm sao có thể bán được cho khách hàng nội địa ở Việt Nam; đồng thời hợp tác cùng với các tổ chức, các nhà phân phối khác ở Việt Nam để tạo thành một hệ thống bán hàng online. Và thế là ngoài việc tiết kiệm được chi phí mặt bằng thì chúng tôi có thể lan tỏa được hình ảnh của hợp tác xã cũng như sản phẩm tốt của hợp tác xã đến với thị trường trong nước.”

Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, đồng hành cùng các hợp tác xã vượt qua khó khăn còn có các tổ chức tín dụng. Với số vốn gần 50 tỷ đồng, Quỹ tín dụng Nhân dân thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà đã tạo điều kiện cho khoảng 300 thành viên của các hợp tác xã vay vốn với tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng để duy trì và phát triển sản xuất. Chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi của Qũy tín dụng nhân dân giúp các thành viên hợp tác xã trên địa bàn giảm bớt gánh nặng, thêm vững tin vượt khó trong giai đoạn này. Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ tín dụng Nhân dân thị trấn Đăk Hà cho biết thêm: “Trong tình hình Covid-19, Quỹ cũng tạo rất nhiều điều kiện tốt để cho các thành viên tiếp cận nguồn vốn vay của Quỹ tín dụng. Đặc biệt là vấn đề điều chỉnh kỳ hạn nợ và giảm lãi suất cho thành viên. Bên cạnh đó những thủ tục hồ sơ đến hạn tính pháp lý của hồ sơ Quỹ cũng tạo điều kiện rất nhanh gọn để các hộ thành viên tiếp cận giải quyết cho vay lại rất kịp thời.”

Thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum cho thấy, khoảng 80% hợp tác xã trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo ông Nguyễn Bá Lộc, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp công bằng Pô Kô, khó khăn mà các hợp tác xã đang gặp phải là khó khăn chung của nền kinh tế. Ông Nguyễn Bá Lộc cho rằng, khi tham gia Hợp tác xã thì các khó khăn được giảm thiểu, đồng thời mang lại nhiều lợi ích, như được giúp đỡ về kỹ thuật, phân bón đầu tư và thu mua giá cà phê cao hơn so với giá ngoài thị trường.

Hiện nay, với trách nhiệm là cơ quan thường trực, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt để hỗ trợ các Hợp tác xã phát triển. Ông Nguyễn Lâm Cảnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho hay: “Liên minh Hợp tác xã tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò vị trí và bản chất của kinh tế tập thể, hợp tác xã kiểu mới trong nền kinh tế thị trường xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của người dân. Tham mưu, kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể các cấp nhằm đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các ngành trong triển khai thực hiện các chính sách về kinh tế tập thể và phát huy vai trò của các thành viên trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.”

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt, nhiều lĩnh vực trong đời sống. Không chỉ gây gián đoạn chuỗi cung ứng, lưu chuyển thương mại, dịch bệnh còn làm đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Trước thực tế này, việc các hợp tác xã, tổ hợp tác phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt lên khó khăn càng khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của kinh tế tập thể giai đoạn hiện nay./.

                                                                                     Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *