(kontumtv.vn) – Cùng với cà phê, cao su, dược liệu, cây mắc ca đã và đang được nhiều địa phương tỉnh Kon Tum xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế trên địa bàn. Cuối năm 2020, UBND tỉnh ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển mắc ca giai đoạn 2021 – 2025 với Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển và nhân rộng diện tích mắc ca trên địa bàn, không chỉ các địa phương, nhiều hợp tác xã hiện nay đang tích cực tham gia trồng, chăm sóc, hướng đến chế biến sâu các sản phẩm từ cây mắc ca.

Hợp tác xã Mắc ca Nhân Hòa thành lập tháng 12/2020 tại thôn 3, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô với 9 thành viên. Đơn vị đang trồng, chăm sóc 16 ha cây mắc ca, trong đó, diện tích mắc ca trồng từ năm 2015 đã cho thu hoạch,  mắc ca trồng năm 2018 vừa cho quả bói. Chỉ với 1 ngàn cây mắc ca trồng năm 2015, đợt thu hoạch năm 2020, sản lượng hạt đạt trên 4 tấn đã giúp thành viên hợp tác xã thu về hơn 400 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Mắc ca Nhân Hòa, huyện Đăk Tô nói: “Cây mắc ca là cây trồng mới, các nhà quản lý, Bộ Nông nghiệp cũng nhìn nhận về tiềm năng của cây mắc ca. Hiện nay, về cái cung của mắc ca là chưa đáp ứng được cầu. Và đặc biệt hàng năm, phát triển cung theo tính toán đạt khoảng 9,5%/năm mà phát triển cầu tăng 12%/năm. Cho nên hiện nay, trong vòng 10 – 15 tới là cung không đủ cầu nên cái dư địa để phát triển cây mắc ca rất là tốt”.

Không dừng lại ở trồng, chăm sóc, Hợp tác xã Mắc Ca Nhân Hòa đang hướng đến chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ cây trồng này. Đây là hướng đi mang tính bền vững giúp nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần cùng với địa phương xây dựng vùng nguyên liệu mắc ca trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Đại, thành viên Hợp tác xã Mắc ca Nhân Hòa nói: “Mục đích của chúng tôi khi tham gia thành lập HTX Mắc ca Nhân Hòa này là để tăng liên kết và chia sẻ kinh nghiệm trước hết với các xã viên trong HTX. Thứ 2 là liên kết với nhau để cố gắng chế biến, nâng cao hiệu quả theo đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo chất lượng hạt mắc ca. Chúng tôi đang hướng đến sản phẩm mắc ca sạch, đạt tiêu chuẩn Vietgab để xuất khẩu được”.

Hiện nay, tỉnh Kon Tum có trên 360 ha mắc ca, trong đó, hơn 250 ha trồng thuần và khoảng 110 ha trồng xen. Diện tích mắc ca trồng xen chủ yếu trong vườn cà phê, cây ăn quả và hàng rào quanh vườn. Những vườn mắc ca tại các huyện Đăk Tô, Ngọc Hồi và Kon Rẫy được đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh với năng suất ước từ 20 đến 30 kg quả khô/cây. Ông Tưởng Văn Khanh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Tô cho biết: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ huyện Đăk Tô, cơ quan chuyên môn đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo UBND các xã rà soát toàn bộ diện tích có đủ điều kiện để tham gia phát triển cây mắc ca. Đến nay, qua rà soát, 9/9 xã, thị trấn đều có điều kiện thuận lợi để phát triển mắc ca. Trong năm 2021 – 2025, trên địa bàn huyện Đăk Tô tỉnh giao 300 ha, tuy nhiên có khả năng đạt Nghị quyết khoảng 500 ha”.

Cùng với các cấp ngành, địa phương, thời gian này, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện để các hợp tác xã tham gia phát triển, nhân rộng diện tích cây mắc ca trên địa bàn. Ông Nguyễn Lâm Cảnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum nói: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định 3 lĩnh vực đột phá, trong đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến là 1 trong 3 lĩnh vực đột phá.  Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ các HTX rà soát, chuyển đổi một dố diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả ở những nơi có điều kiện; rà soát quỹ đất có khả năng trồng cây mắc ca để nghiên cứu, hình thành vùng trồng cây mắc ca trên địa bàn”.

Mục tiêu của tỉnh Kon Tum là phấn đấu đến năm 2025 trồng được 2.000 ha cây mắc ca, riêng năm 2021 phấn đấu trồng khoảng 400 ha. UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương trồng mắc ca theo hướng tập trung để tạo thành những vùng sản xuất lớn, cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, góp phần phát triển công nghiệp chế biến trên địa bàn.

Thu Trang – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *