(kontumtv.vn) – Tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm nay nhìn chung có nhiều dấu hiệu khởi sắc.

Ngày 29/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 nhằm đánh giá tình hình KTXH 4 tháng đầu năm nay cũng như thảo luận và thống nhất một số cơ chế chính sách quan trọng, nhất là liên quan đến quản lý và điều hành thị trường bất động sản và nhà ở; các biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi  cũng như cho ý kiến xây dựng dự thảo một số dự án luật quan trọng.

Theo báo cáo tổng hợp và ý kiến phát biểu tại phiên họp: tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm nay nhìn chung có nhiều dấu hiệu khởi sắc ngày càng rõ nét hơn, nhất là chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 5,4% so với cùng kỳ; thu ngân sách, đặc biệt là thu nội địa cũng tăng khá cao. Các cân đối vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, xuất khẩu và dự nợ tín dụng đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu ý kiến
Chính phủ cũng nhận định nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức ở cả khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng. Mặc dù thị trường bất động sản, nhà ở đã có phản ứng tích cực, cơ cấu nguồn cung nhà ở đã bắt đầu có sự điều chỉnh phù hợp với nhu cầu thị trường, các giao dịch bất động sản thành công và dư nợ tín dụng trong lĩnh vực này cũng tăng cao, tuy nhiên thị trường bất động sản vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng.

Bộ Xây dựng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 02 năm 2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình, cá nhân từ 10 năm lên 15 năm cũng như mở rộng đối tượng cho vay và bổ sung thêm ngân hàng thương mại cổ phần được phép tham gia cho vay gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nêu ý kiến: “Hiện nay các dự án đô thị chúng ta cấp đã quá nhiều và dư thừa, dẫn tới lãng phí đất đai mà chưa đầu tư hoặc không thể đầu tư, cho nên bộ xây dựng cũng đề nghị, tạm dừng cấp phép đối với các dự án nhà ở thương mại trong năm 2014. Trừ các dự án nhà ở xã hội; nhà ở thương mại có diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng; dự án cải tạo nhà chung cư cũ. Trường hợp đặc biệt, các địa phương phải báo cáo cụ thể với Bộ Xây dựng xem xét,thẩmđịnh trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.

Một vấn đề quan trọng khác được Bộ Tài chính nêu ra tại phiên họp Chính phủ là các biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi mà hiện nay cả nước có khoảng 10 triệu trẻ em trong độ tuổi này. Qua kiểm tra 5 đơn vị đang chiếm phần lớn thị phần sữa trên thị trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: “Một số sai phạm liên quan đến hành chính thì Bộ đã xử phạt vi phạm hành chính. Thứ hai, chi phí bất hợp lý hợp lệ ví dụ như chi phí quảng cáo quá lớn, chúng tôi tính toán bổ sung thu thuế lợi tức. Tình hình tăng giá quá lớn và qua kiểm tra thì lợi nhuận của các công ty này hiện nay quá lớn 20-30% trong năm 2013. Xuất phát từ lợi ích người tiêu dùng và căn cứ vào pháp luật hiện hành cũng như qua tìm hiểu kinh nghiệm một số nước trên thế giới, Bộ Tài chính đề xuất khống chế giá trần của giá sữa đảm bảo lợi nhuận hợp lý nhưng quan trọng cũng đảm bảo lợi ích tiêu dùng của người Việt Nam.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm nay chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát có khả năng kiểm soát dưới 6%; tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh, lãi suất giảm, xuất khẩu tăng cao, thu ngân sách cũng tăng hơn 14% so với cùng kỳ và đạt gần 40% dự toán cả năm….

Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành liên quan chủ động nắm chắc diễn biến tình hình để linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành các công cụ, chính sách tiền tệ, đồng thời nêu rõ những khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế như tổng phương tiện thanh toán, dự nợ tín dụng, sản xuất công nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và chưa vững chắc.

Trên tinh thần bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra từ đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Phó Thủ tướng Chính phủ, từng bộ trưởng quyết liệt chỉ đạo với tinh thần trách nhiệm cao nhất, bao quát, sâu sát, kịp thời, hiệu lực và hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu Chính phủ và chính quyền các địa phương tập trung quyết liệt tăng tổng cầu của nền kinh tế để đảm bảo tốc độ tăng trưởng thông qua đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách, vốn ODA và tạo điều kiện giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án giao thông trọng điểm và đảm bảo vốn đối ứng ODA. Ngân hàng Nhà nước rà soát lại các thủ tục, cơ chế giải ngân theo tinh thần ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng gắn với quyết liệt xử lý nợ xấu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Tăng trưởng, công ăn việc làm phụ thuộc vào tăng tổng cầu, bây giờ có điều kiện thì phải đẩy nhanh lên, tập trung vào tăng giải ngân, tăng dư nợ tín dụng để tăng tổng cầu. Trong điều kiện kinh tế vĩ mô, giá cả thấp như thế này là thuận lợi. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư  xây dựng cơ bản gắn liền với đảm bảo chất lượng xây dựng cơ bản và chất lượng tín dụng. Chúng ta cố gắng đẩy giải ngân lại buông lỏng chất lượng, không chặt chẽ là sinh chuyện về sau…”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đang tắc trên đoạn tuyến qua Hà Nội. Các bộ, ngành, địa phương cùng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà trước hết tập trung tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét liên quan đến thủ tục cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, thu thuế và hải quan, tài nguyên, môi trường, công tác thanh tra, kiểm tra  gắn với nâng cao đạo đức công vụ đối với cán bộ, công chức; đồng thời hết sức hạn chế hình sự hóa kinh tế. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đúng kế hoạch, đảm bảo chặt chẽ và kịp thời xử lý các vướng mắc nảy sinh.

Trên cơ sở Chính phủ nhất trí chủ trương về các biện pháp bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai chặt chẽ cơ sở pháp lý để thực hiện, đồng thời làm tốt công tác thông tin tuyên truyền. Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản thống nhất các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản và nhà ở phát triển.

Liên quan đến đến việc tổ chức Đại hội thể thao bãi biển, Thủ  tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu chuẩn bị và tổ chức tốt trên tinh thần cơ sở vật chất đã có đủ, không đầu tư ngân sách thêm bất cứ một công trình nào. Thủ tướng cũng giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội kiểm tra ngay tình trạng đói giáp hạt tại một số địa phương để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Bộ Y tế nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch sởi, nhất là trong công tác tuyên truyền, tiêm chủng phòng dịch và tình trạng lây nhiễm chéo tại bệnh viện tuyến trung ương, đồng thời tập trung chỉ đạo phòng chống và khống chế dịch sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng…Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trong dịp nghĩ lễ 30/4 và 1/5…

Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng dự án Luật an toàn thông tin số; dự án Luật sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 13 của Luật Quốc tịch và báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thi hành Hiến pháp 2013; báo cáo của Chính phủ về tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, Pháp lệnh./.

Thành Chung/VOV

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *