(kontumtv.vn) – Sau 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia tham gia hợp tác xã, đến nay, kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp không nhỏ vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Tại tỉnh Kon Tum, cùng với các cấp ngành, địa phương, các hợp tác xã là nhân tố tích cực trong triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhiều hợp tác xã đã lựa chọn hướng đi đột phá về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó, tập trung phát triển dược liệu gắn với công nghiệp chế biến.

Thành lập tháng 1/2021 tại thôn Đăk Xanh, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Minh Quân có 7 thành viên. Ngay từ ban đầu, hợp tác xã đã xác định hướng đi của đơn vị là phát triển vùng nguyên liệu cây dược liệu gắn với chế biến, sản xuất sản phẩm từ sâm dây và khổ qua rừng. Hiện nay, đơn vị đang liên kết với gần 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn để thực hiện trồng, chăm sóc trên 10 ha sâm dây và khổ qua rừng. Anh Nguyễn Bá Trực, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Minh Quân, huyện Đăk Tô nói: “Khi liên kết lại với nhau, các anh chị em trong Hợp tác xã thứ nhất là có nguồn thông tin. Thứ hai là biết được định hướng của của HTX như thế nào để từ đó yên tâm trồng trọt, có đầu ra bao tiêu ổn định thì mọi người tự tin với việc trồng, nhân rộng diện tích. Nếu có vướng mắc gì đó thì chúng tôi có thể hỗ trợ các anh chị được”.

Thời gian này, các thành viên Hợp tác xã tích cực nhân rộng diện tích khổ qua rừng và trồng sâm dây theo tiêu chuẩn GACP-WHO nhằm hướng đến mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm từ dược liệu. Là một trong những hộ đầu tiên tham gia vào khâu liên kết trồng, chăm sóc dược liệu của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Minh Quân, bà Dương Thị Khắc cho biết, gia đình đang trồng thử nghiệm 4 sào sâm dây và 1 sào khổ qua rừng. Hiện tại, cây sinh trưởng, phát triển tốt. Bà Dương Thị Khắc (làng Đăk Xanh, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô) nói: “ Đầu tư cây giống cho gia đình tôi thì tôi cũng mong muốn sản lượng cho nhiều để có thu nhập cho gia đình. Gia đình chúng tôi bây giờ chăm sóc là không có thuốc men gì hết, toàn chăm bằng bàn tay lao động con người. Vào hợp tác xã này là các gia đình phát triển kinh tế lên để nâng cao đời sống cho dân”.

Mục tiêu của hợp tác xã trong vòng 2 năm tới sẽ nhân rộng diện tích sâm dây và khổ qua rừng lên 25 ha. Với định hướng chuẩn vùng nguyên liệu từ khâu đầu vào, hiện nay, Hợp tác xã đã sản xuất được nhiều sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng để đưa ra thị trường như trà sâm dây Ngọc Linh, trà túi lọc khổ qua rừng. Chị Lương Thị Mỹ Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên cho biết: “Trước đây, doanh nghiệp liên kết với các hộ dân để phát triển các sản phẩm của địa phương nhưng nhu cầu hiện tại quy mô sản xuất cũng như đầu ra của doanh nghiệp ngày càng nhiều nên doanh nghiệp đang hướng đến vùng nguyên liệu bền vững và chất lượng cho nên chúng tôi đang liên với HTX Minh Quân để sản xuất được vùng nguyên liệu ổn định về chất lượng và ổn định số lượng, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu”.

Đẩy mạnh hoạt động sản xuất, trong năm nay, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Minh Quân dự kiến xây dựng và mở rộng nhà xưởng chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn ISO 22.000 với quy mô diện tích gần 1.000 m2. Với bước đi này, đơn vị đang từng bước đặt nền móng vững chắc cho hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị. Ông Nguyễn Lâm Cảnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum cho biết: “Qũy Hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi cho các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản xuất, chế biến dược liệu để tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã hoạt động hiệu quả”.

Để các sản phẩm dược liệu của tỉnh Kon Tum có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, cùng với tăng cường liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân, yếu tố quan trọng nữa là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Lúc này, sự tham gia của các cấp ngành, địa phương vô cùng cần thiết. Sự tham gia này thể hiện trong việc quản lý nhà nước đối với thị trường, đồng thời hỗ trợ chính sách để các đơn vị mở rộng quy mô sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm tiêu dùng.

Thu Trang – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *