(kontumtv.vn) – Sau 3 năm thực hiện chủ trương “Cải tạo, phát triển kinh tế vườn hộ gia đình để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững”, với sự vào cuộc, hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức đoàn thể, chính trị – xã hội, nhiều hộ gia đình người DTTS trên địa bàn huyện Đăk Hà đã biết phát huy sức lao động và tiềm năng, lợi thế đất đai của gia đình để nỗ lực vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương về kiến thức chăm sóc và giống cây trồng, gia đình chị Y Tỷ ở thôn Đăk Xế – Kơ Ne, xã Đăk Long bắt tay chuyển đổi hơn 8 sào đất vườn sang trồng cây lâu năm. Năm 2023, gia đình chị được hỗ trợ một con bò sinh sản, hiện đã sinh bê con. Từ nguồn sinh kế này chị có niềm tin về một tương lai tốt hơn. Chị Y Tỷ cho hay: “Trước đây cái vườn này để trống không thôi. Sau này được cán bộ trên thôn tuyên truyền vận động thì mình mới tìm hiểu và tiếp cận để đưa cây mắc ca vào canh tác. Mình thấy cây mắc ca nó phát triển tốt. Nhờ vào đó mà công việc của mình cũng được ổn định hơn. Con bò thì mình chăn nuôi rồi mình lấy phân bón lại cho các loại cây như cà phê, mắc ca, cây ăn quả khác. Cũng mong sau này từ các loại cây trồng này thì nó giúp gia đình mình có cuộc sống được cái thiện hơn.”
Với trên 80% dân cư là người DTTS, để phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới trong năm 2024, bên cạnh thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, xã Đăk Long chú trọng lồng ghép nhiều nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ, đồng hành. Qua đó, cụ thể hóa phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế gia đình trong vùng DTTS bằng các mô hình, cách làm hiệu quả, giúp bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hợp lý, phát huy các nguồn lực để thoát nghèo bền vững. Ông Hoàng Công Ái -Chủ tịch UBND xã Đăk Long cho biết: “Xã xác định 3 nhóm đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo để tập trung hỗ trợ. Thứ nhất là từ nguồn của các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã được thụ hưởng để hỗ trợ bà con về giống cây trồng vật nuôi. Thứ hai nữa là xã huy động sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể như Hội LHPN để hỗ trợ cây con giống, tạo sinh kế cho bà con DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững.”
Song song với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở, phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ gia đình trong vùng DTTS nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội và doanh nghiệp, giúp hình thành những mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn trong vùng DTTS. Qua đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, sức lao động trở thành nguồn động lực quan trọng để cải thiện cuộc sống người dân. Anh U Nam Huế – Thôn trưởng thôn Kon Rôn, xã Ngọk Réo nói: “Ngày xưa người ta làm theo kiểu truyền thống, nay làm đây mai làm đó. Nhưng giờ thì khác trước, họ chủ yếu trồng các loại cây dài gày hoặc các mô ình có thu nhập cao thì họ tập trung vào cái đó. Cụ thể như bây giờ các hộ tập trung vào trồng cà phê, cao su là chủ yếu. Còn một số thì họ tham gia Hợp tác xã đó, họ chăn nuôi họ làm trang trại lớn luôn, chăn nuôi được khoảng 70 con bò thì dần dần chúng tôi sẽ triển khai nhân rộng cho bà con làm.”
Sau 3 năm thực hiện chủ trương “Cải tạo, phát triển kinh tế vườn hộ gia đình để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững”, bước đầu tạo sự thay đổi tích cực trong tư duy, tập quán sản xuất của bà con DTTS. Qua đó, giúp khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế vườn hộ phù hợp với thực tiễn; hỗ trợ người DTTS chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang phát triển cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn, làm tiền đề để người DTTS tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa./.
CTV Trọng Nghĩa