(kontumtv.vn) – Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản xuất nông nghiệp, cùng với việc tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Đăk Hà chú trọng đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập.

Để chăm sóc hơn 1 héc ta cà phê và 200 trụ tiêu của gia đình, anh Đoàn Văn Tuân ở thôn 1, xã Đăk Mar chỉ cần một vài thao tác như hòa phân và mở van, phần còn lại hệ thống tưới phun mưa tự động thực hiện. Anh cho biết, với công nghệ tưới phun mưa, nước thấm đều trên diện tích vùng rễ, giúp cây cà phê được tưới và hấp thụ phân bón hiệu quả. Đây là cách giúp gia đình tiết kiệm chi phí sản xuất và giảm công lao động. Anh Đoàn Văn Tuân cho hay: “Trước tiên là công lao động, chi phí phân tro mình bón phân là cây cà phê ăn được hết lượng phân mình hòa ra nước rồi mình tưới vào cà phê. Mình tưới như này trong thời gian 2 tiếng rưỡi đến 3 tiếng mình chuyển 1 lần rồi tranh thủ mình làm được việc khác, không mất thời gian, không phải đi rải phân tận gốc, giảm được phải 70% công.

Xã Đăk Mar hiện có gần 2.500 héc ta trồng cây lâu năm, trong đó trên 80% trồng cây cà phê. Đây là một trong những địa phương tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, từ các khâu như làm cỏ, phun thuốc, tưới nước, bón phân đến thu hái, chế biến sản phẩm cà phê. Với việc ứng dụng, sử dụng thiết bị máy móc vào sản xuất, chế biến cà phê giúp các hộ nông dân nâng cao chất lượng nông sản. Đến nay, xã có 2 sản phẩm ocop 3 sao và 2 sản phẩm ocop 4 sao đều là các sản phẩm cà phê. Bà Nguyễn Thị Thanh Thùa – Chủ tịch UBND xã Đăk Mar cho biết: “Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đối với xã Đăk Mar về diện tích tưới tiêu tiết kiệm thì gần như 100 diện tích được sử dụng bằng hệ thống cơ giới hóa, một số tưới bằng hệ thống nhỏ giọt trên mặt nền để đảm bảo nguồn nước trong mùa khô, đặc biệt là vùng Tây Nguyên của chúng ta.

Thực hiện cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, huyện Đăk Hà đẩy mạnh công tác tuyên truyền các hộ người DTTS ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Tiêu biểu có gia đình ông A Rui. Sau nhiều năm kinh doanh, cây cà phê già cỗi, để chuẩn bị tái canh trong mùa mưa sắp tới, thời điểm hiện tại gia đình đang tích cực làm đất, tạo bồn. Khoảng 10 năm trước các công đoạn này hoàn toàn thực hiện bằng phương pháp thủ công, thời gian kéo dài với chi phí lớn. Hiện nay, các công đoạn được làm bằng các phương tiện cơ giới, giúp gia đình tiết kiệm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Ông A Rui ở thôn kon Gu I, xã Ngọc Wang nói: “Trước mình kiếm công cuốc đất đào hố, rễ gốc mình không bứng được nó, cây cà phê không phát triển tốt như bây giờ. Bây giờ có máy móc thế này, xới hết đất nó xốp nữa thì cà phê nó mới tốt.

Huyện Đăk Hà có tổng diện tích gieo trồng trên 26.300 héc ta, trong đó hơn 22.900 héc ta cây lâu năm. Ông Ngô Hồng Hưng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà cho biết thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đến nay huyện có gần 1.700 thiết bị tưới nước, trên 2.800 máy bơm nước, 15 máy gặt đập liên hoàn, trên 570 máy kéo các loại. Tỷ lệ các công đoạn được cơ giới hóa như làm đất và bơm nước đạt 100%, gieo cấy 45%, thu hoạch 98% và sấy, tuốt, đập, tách hạt đạt 70%.:

Thời gian tới huyện Đăk Hà khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ liên kết, phát huy tối đa công suất máy móc trong các khâu sản xuất, vận chuyển, chế biến nhằm giảm chi phí và tăng thu nhập cho nông dân./.

                            CTV  Minh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *