(kontumtv.vn) – Dù mới bước vào đầu mùa khô nhưng nền nhiệt ngoài trời ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum tương đối cao. Như nhiều địa phương khác, huyện Sa Thầy đang quyết liệt đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống hạn nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu nước trong canh tác, sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, do năm nay mưa đến muộn nên một số diện tích lúa vụ đông – xuân của huyện có nguy cơ mất trắng do khô hạn.

Theo tính toán của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Sa Thầy, với gần 680 ha lúa vụ đông – xuân đang trong giai đoạn làm đòng, khoảng 10 ngày nữa nếu địa phương tiếp tục không có mưa thì 30 – 35 ha lúa sẽ rơi vào tình trạng thiếu nước và có nguy cơ mất trắng. Những khu vực nằm trong vùng có nguy cơ thiếu nước cao gồm khu tưới nước thủy lợi Đăk Sia II, Đăk Ngao 1, 2, thị trấn Sa Thầy; thủy lợi Đăk Nui 3 ở xã Hơ Moong; cánh đồng làng Đăk Hlang, làng Đăk Rơ Tim của xã Rơ Kơi. Ông Trần Lệnh Tuyến, Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết, trước diễn biến khó lường của thời tiết, từ năm 2017 đến nay, xã tích cực vận động bà con nhân dân chuyển đổi hơn 20 ha lúa nước thường xuyên bị hạn sang trồng các loại cây khác như mỳ, bắp. Dù vậy, mùa khô khốc liệt năm 2020 vừa qua cộng với tình hình mưa đến muộn như năm nay, một số diện tích sản xuất đã được chuyển đổi vẫn xuất hiện tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới: “Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn xã đã xuất hiện một số diện tích gò cao thiếu nước cục bộ. Theo như dự báo của địa phương, khoảng 15 ngày nữa mà không có mưa thì địa phương sẽ ảnh hưởng bị khô hạn khoảng trên 4 ha lúa nước”.

Hiện nay, xã Rờ Kơi có gần 10 công trình thủy lợi, trong đó, 8 công trình là đập dâng và 01 công trình hồ chứa. Những năm gần đây, một vài đập dâng do không thường xuyên được tu bổ, sửa chữa nên có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp, điều tiết nước cho hoạt động sản xuất. Đây đều là những công trình không thuộc quản lý của địa phương. Ông Trần Lệnh Tuyến, Chủ tịch UBND xã Rờ Kơi cho biết thêm: “Xã cũng đang kiến nghị với huyện và Trung tâm Khuyến nông tỉnh có kế hoạch sửa chữa các con đập này, nạo vét để đảm bảo nước tưới cho các năm tiếp theo”.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Sa Thầy cho biết, kể từ mùa khô khốc liệt năm 2016, đến cuối năm 2020, địa phương đã thực hiện chuyển đổi gần 180 ha lúa nước bị hạn sang các loại cây trồng khác như mỳ hơn 155 ha, rau đậu các loại 6,5 ha, bắp 2 ha. Giai đoạn 2021 – 2025, huyện chủ trương tiếp tục chuyển đổi thêm 107 ha lúa vụ đông – xuân và vụ mùa có nguy cơ thiếu nước sang trồng mỳ, rau, đậu. Trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều địa phương trên địa bàn huyện có cách làm sáng tạo. Đơn cử như ở xã Sa Bình, từ năm 2016 đến nay, xã tích cực vận động bà con chuyển đổi cây trồng từ lúa sang mỳ, nghệ, gừng và cây ớt. Hiện nay, giá ớt tương đối cao và nhu cầu tiêu thụ ổn định đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho nông dân. Ông Trần Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Sa Bình, huyện Sa Thầy cho hay: “Lúc đầu chuyển đổi thì bà con cũng khó khăn, bà con sợ cây mỳ, cây ớt mà đưa xuống ruộng thì hiệu quả không có. Sau khi phát triển trồng được 1, 2 năm, hiệu quả kinh tế cây mỳ, cây ớt hơn cây lúa. Nên bữa nay diện tích chuyển đổi thì xã khỏi cần vận động, nhân dân ta thấy kinh tế như thế là tự chuyển đổi”.

Việc tìm ra những cây trồng phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao là yếu tố quan trọng giúp bà con nông dân mạnh dạn hơn trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là đối với diện tích lúa thiếu nước như hiện nay.

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *