(kontumtv.vn) – Tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương về cây dược liệu, thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã đẩy mạnh quy hoạch phát triển cây dược liệu. Qua đó, góp phần bảo tồn cây dược liệu, thay đổi cơ cấu cây trồng, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông có 3 vùng phát triển dược liệu chính đó là xã Ngọc Lây, xã Măng Ri và Tu Mơ Rông. Ngoài chú trọng phát triển vùng dược liệu, huyện Tu Mơ Rông còn gắn với xây dựng sản phẩm Ocop. Đến nay, huyện có 14 sản phẩm Ocop cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao. Thời gian qua, huyện đã hỗ trợ người dân, hợp tác xã trên địa bàn đẩy mạnh chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm cây dược liệu và cây cà phê chè xứ lạnh. Ông Nguyễn Hải Nam, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Hằng năm là dành cỡ khoảng trên 70% nguồn lực để hỗ trợ vốn, nguồn lực phát triển giống, kĩ thuật cho bà con phát triển cái nguồn nguyên liệu.Theo chương trình Ocop của tỉnh, huyện đã chỉ đạo phòng đã tập trung tham mưu hướng dẫn cho các xã cái kế hoạch cụ thể để hướng dẫn, hỗ trợ cho hợp tác xã, chủ thể xây dựng sản phẩm theo hướng thế mạnh của huyện, tập trung phát triển dược liệu.”

Với lợi thế về cây dược liệu, huyện Tu Mơ Rông ngày càng có nhiều hợp tác xã và thu hút được các doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu, đầu tư phát triển sản phẩm. Song song với đó là hướng đến đảm bảo nguồn nguyên liệu sạch, an toàn, chất lượng. Để phát triển sản phẩm Ocop, một năm, cơ sở kinh doanh Lê Thị Bưởi ở thôn Ngọc Năng 2, xã Đăk Rơ Ông thu mua khoảng 50 tấn nấm tích dương, 3 tấn nấm ngọc cẩu, khoảng 15 tấn tươi nấm hồng chi. Bên cạnh đó, khi sản phẩm thu hái từ rừng như sâm dây, ổ qua rừng ngày càng cạn kiệt, cơ sở đã liên kết với bà con nông dân, hỗ trợ hạt giống, cùng người dân làm rồi ăn chia theo sản phẩm với tiêu chuẩn sản phẩm sạch, không sử dụng hóa chất.

Xã Ngọc Lây hiện có tổng diện tích dược liệu khoảng 9.200 ha, với vùng quy hoạch phát triển dược liệu là hơn 7.000 ha. Từ năm 2019 đến nay, xã Ngọc Lây có 12 sản phẩm Ocop, trong đó sản phẩm tiềm năng là các loại dược liệu như sâm dây, cà phê xứ lạnh, các sản phẩm chế biến sâu collagen về sâm Ngọc linh. Ông Đặng Quốc Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cho biết, xã luôn chú trọng sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, người dân, doanh nghiệp trong phát triển dược liệu. Ông Đặng Quốc Dũng cho biết thêm: “Với diện tích khoảng hơn 7000 ha để phát triển cây dược liệu, trên địa bàn xã có 3 HTX. Các doanh  nghiệp lớn khác thì chúng tôi liên kết bằng hình thức vùng nguyên liêu, tức là diện tích đất của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ giống rồi giúp người dân trồng, hỗ trợ kĩ thuật, đến kì thu mua HTX cam kết thu mua bằng giá thị trường.”

Để phát triển bền vững vùng nguyên liệu, huyện Tu Mơ Rông đã tập trung vào cây có thế mạnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên tại địa phương. Với nhiều nỗ lực của chính quyền và nhân dân, đến nay, toàn huyện có tổng diện tích Sâm Ngọc Linh trên 500 ha, các loại cây dược liệu khác đạt gần 300 ha, chủ yếu là cây đẳng sâm, sơn tra, ngũ vị tử, đương quy. Mục tiêu quy hoạch chuyển đổi đến năm 2025 của huyện là diện tích cây sâm Ngọc Linh đạt hơn 3.000 ha, cây dược liệu khác đạt trên 2.000 ha. Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Hiện nay, huyện chủ trương phát triển hai hình thức phát triển các vùng nguyên liệu nuôi trồng theo kiểu tự nhiên gắn với vùng sản xuất gắn với rừng, dưới tán rừng. Sản phẩm này sẽ có lợi thế nhưng giá thành cao và phát triển một hình thức nữa là sản phẩm khoa học công nghệ.”

Nhờ sự tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương nên nhiều năm nay, việc trồng cây dược liệu tại huyện Tu Mơ Rông không còn mang tính tự phát. Bà con giờ đã chủ động hơn trong chuyển đổi từ cây nông nghiệp truyền thống sang cây dược liệu. Từ đó, giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Như gia đình anh A Thượng (ở thôn Đăk Kinh, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông) trước đây trồng mì với lúa thu hoạch không được bao nhiêu. Từ khi được HTX hỗ trợ giống sâm dây, kim ngân hoa để trồng, sau khi thu hoạch, bán được giá, thu nhập của gia đình anh A Thượng tăng lên đáng kể.

Việc địa phương tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tham gia phát triển dược liệu đã góp phần quan trọng để phát huy thế mạnh của địa phương. Đây là động lực để huyện Tu Mơ Rông tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị Quyết số 08, ngày 3/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum./.

Cát Tiên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *