(kontumtv.vn) – Diễn đàn và triển lãm “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới” nhằm mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu để gia tăng giá trị của quả vải, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân.

Giới thiệu về quy trình, quy cách trồng quả vải thiều sạch và đạt chất lượng, sản lượng cao. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Giới thiệu về quy trình, quy cách trồng quả vải thiều sạch và đạt chất lượng, sản lượng cao. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Với mong muốn đưa đặc sản Việt Nam nói chung, quả vải thiều nói riêng đến gần hơn với nhiều người tiêu dùng thế giới, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã tổ chức diễn đàn và triển lãm số với chủ đề “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới” vào ngày 16/6 tại Hà Nội.

Năm 2022, vải thiều Việt Nam dự báo được mùa, với sản lượng khoảng 320.000 tấn. Với sản lượng lớn, thời gian thu hoạch ngắn nên việc kết nối giao thương, mở rộng thị phần sẵn có, tìm kiếm thị trường mới và đa dạng kênh phân phối… là các điều kiện để việc tiêu thụ thuận lợi. Những năm trước, vải Hải Dương và Bắc Giang đã “xuất ngoại”, tuy nhiên, số lượng xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore còn khiêm tốn so với sản lượng thu hoạch trong nước.

Do đó, mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu để gia tăng giá trị của quả vải, góp phần nâng cao thu nhập của người nông dân và phát triển kinh tế địa phương là mục tiêu được địa phương, bộ, ban, ngành ưu tiên lúc này.

Ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cho biết chính quyền địa phương và người dân đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp. Đến nay, vải thiều Bắc Giang đã thu hoạch 200.000 tấn. Các cấp, các ngành luôn sẵn sàng sản xuất vải chất lượng cao đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác sản xuất và tiêu thụ.

Theo ông Phan Thế Tuấn, Bắc Giang coi trọng tất cả thị trường, cả trong nước và ngoài nước. Với thị trường nội địa, tỉnh tích cực đưa mặt hàng vải thiều vào các siêu thị, lên sàn thương mại điên tử… Trên thị trường quốc tế, địa phương xuất khẩu vải thiều đến 30 quốc gia, trong đó nhiều nhất là Trung Quốc và các quốc gia tiềm năng khác như Singapore, Nhật Bản, Saudi Arabia…

Ket noi mo rong thi truong de dua vai thieu Viet Nam vuon ra the gioi hinh anh 1
Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm, tham gia của Đại sứ quán, các cơ quan thương mại trong và ngoài nước. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Còn tại Hải Dương, Ông Trần Văn Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cho biết toàn tỉnh hiện có trên 9.000 hecta trồng vải, thu hoạch 60.000 tấn mỗi năm; trong đó 50% sản lượng được tiêu dùng trong nước, 40% xuất khẩu tới các thị trường truyền thống, 10% xuất khẩu tới các thị trường cao cấp như Mỹ, Nhật Bản…

“Chúng tôi hướng tới xây dựng thương hiệu vải thiều chất lượng toàn cầu. Để sẵn sàng, từ nhiều năm, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung xây dựng các vùng chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu. Về chọn giống, tỉnh hợp tác với các cơ quan khoa học để ra các giống mới, đa dạng hoá các loại sản phẩm như vải u trứng, vải u hồng… khác biệt,” ông Trần Văn Quân cho biết.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ Việt Nam là xứ sở nhiệt đới với nhiều loại nông sản phong phú, trong đó vải thiều từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản được mọi người biết đến.

“Chúng tôi đã luôn đặt câu hỏi phải làm sao để đưa nông sản Việt Nam vươn ra thế giới, nông sản Việt Nam cần đạt chất lượng cao như thế nào, cần làm gì để vượt qua rào cản thương mại, để nhiều người dân trên thế giới được hưởng hương vị đặc sắc của nông sản Việt Nam. Diễn đàn ‘Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới’ được tổ chức với mong muốn đổi mới phương thức truyền thống, quảng bá sản phẩm địa phương đến gần với người dân thế giới,” Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn nói.

Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm, tham gia của Đại sứ quán các nước: Indonesia, Lào, Sri Lanka, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Nhật Bản, Philippines, Palestine, Saudi Arabia, Timor Leste, Nga, Mỹ, Brazil, Venezuela, Peru, Angola… và đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các cơ quan thương mại, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, trong khuôn khổ diễn đàn “Vải thiều Việt Nam vươn ra thế giới,” ban tổ chức đã giới thiệu triển lãm số, gian hàng số trên nền tảng https://vaithieuexpo.vnexpress.net. Với 16 ngôn ngữ như tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Nga, tiếng Hàn, tiếng Thái… triển lãm số là kênh thông tin giới thiệu tới các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các cơ quan thương mại, doanh nghiệp trong nước và quốc tế về sản phẩm vải thiều nói riêng và một số sản phẩm nông sản khác nói chung./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *