(kontumtv.vn) –  Xã Ngọk Réo của huyện Đăk Hà từ ngày thành lập, được lấy theo tên của một ngọn núi, là căn cứ cách mạng từng diễn ra những trận giao tranh khốc liệt giữa ta và địch trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Suốt chiều dài lịch sử gắn với hơn 30 năm tỉnh Kon Tum được thành lập lại, đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ngọk Réo đang nỗ lực phát huy đoàn kết, tự lực tự cường với khát vọng xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Là một trong những người đầu tiên đến công tác và nhận nhiệm vụ tại xã Ngọk Réo từ ngày mới thành lập, hơn ai hết, ông A Thành – nguyên Bí thư lâm thời Đảng ủy xã Ngọk Réo là người hiểu rõ nhất lịch sử hình thành cũng như những khó khăn, vất vả của ngày đầu kiến thiết vùng đất mới. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là vùng căn cứ cách mạng thuộc xã Ngọk Bờ Dềnh, H16. Những ngọn núi, rừng cây, con suối trải khắp địa bàn xã từng là chỗ dựa vững chắc cho quân dân cách mạng chống lại âm mưu dồn dân, lập ấp của địch. Hòa bình lập lại, năm 1981, trên cơ sở hợp nhất các làng thuộc xã Đăk Kấm và Đăk Ui, thị xã Kon Tum, xã Ngọk Réo chính thức được thành lập, lấy tên gọi từ một ngọn núi cao nhất, mà người dân vẫn thường gọi là “Ngọn núi anh hùng”. Ông A Thành kể: “Lúc đó thì khó khăn lắm, cán bộ phải đi trực tiếp xuống thôn, gặp người dân để triển khai về mục đích lãnh đạo của Đảng và Nhà nước như thế nào. Ở đây có 8 thôn nhưng người dân họ biết nghe Đảng và Nhà nước nói. Vì phát rừng sau này nhà nước cấm rồi thì chỗ nào có ruộng ít thì mình làm ít, chỗ nào mình làm nhiều, chỗ nào có nước thì trồng lúa nước.”

Năm 1983, Đảng ủy xã Ngọc Réo được thành lập với 2 chi bộ và 24 đảng viên. Năm 1994, khi huyện Đăk Hà được thành lập, xã Ngọk Réo trực thuộc huyện Đăk Hà. Đứng trước muôn vàn khó khăn do kết cấu hạ tầng cũng như đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn hạn chế, nhiệm vụ đầu tiên được Đảng bộ xã tập trung thực hiện là củng cố bộ máy tổ chức đảng, chính quyền cơ sở. Trong đó lấy lực lượng cán bộ, đảng viên làm nòng cốt, hạt nhân trong việc cụ thể hóa các chỉ tiêu, kế hoạch của Đảng bộ đề ra. Cùng với đó, tranh thủ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, sự lãnh đạo thường xuyên và tập trung của cấp ủy, chính quyền tỉnh, huyện, xã chú trọng sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để đầu tư xây dựng hạ tầng điện, đường, trường, trạm, kênh mương thủy lợi… ở nông thôn. Ông Phan Hồng Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Ngọk Réo cho biết: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng thì chúng tôi đã tập trung chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế dưới nhiều hình thực như tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thâm canh cây cao su, cà phê và tập trung phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm. Và đặc biệt là làm cho thay đổi tư duy về nếp nghĩ, cách làm của người dân trog việc phát triển toàn diện các mặt kinh tế – xã hội. Và bà con thì cũng rất đồng thận, phấn khởi để chung tay đóng góp xây dựng các công trình, dự án phục vụ nhu cầu của nhân dân.”

Đến nay, Đảng bộ xã có 190 đảng viên, sinh hoạt tại 13 chi bộ trực thuộc, tăng 139 đảng viên và 04 chi bộ so với năm 1994. Từ sự sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong tư duy sản xuất, tham gia phát triển KT – XH của người dân là điều kiện để xã bắt tay vào cụ thể hóa các Đề án, chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để người dân phát huy tinh thần tự lực, vươn lên thoát nghèo. Xã vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích mì sang trồng các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, bời lời… để phát triển kinh tế. Theo ông A Klé – Bí thư Chi bộ thôn Kon Krơk, để thực hiện những việc này đảng viên phải luôn luôn là người gương mẫu đi trước, làm trước.

Là thế hệ sinh ra và lớn lên sau ngày xã Ngọk Réo được thành lập, anh A Điệp là một điển hình trong chuyển đổi diện tích lúa đồi, mì năng suất thấp sang trồng cây cao su, cà phê. Đồng thời, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, anh học hỏi kiến thức để áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, sử dụng chế phầm sinh học, phân bón để nâng cao năng suất các loại cây trồng. Đến nay, anh đã sở hữu mô hình kinh tế mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh A Điệp chia sẻ: “Đảng ủy, UBND xã cũng quan tâm mở các lớp tập huấn, dạy nghề trồng trọt cây cao su, cà phê. Mình đã được học thì mình cũng mang kiến thức đó vào sản xuất rồi mình tuyên truyền cho bà con nhân dân. Từ đó, người dân đã biết canh tác cây cà phê, nâng cao được năng suất cây cà phê nên mức thu nhập của bà con trong thôn cũng khá hơn trước kia.”

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, xã Ngọk Réo đã gặt hái những thành tựu quan trọng. Từ năm 2007 đến nay, xã đã phát triển gần 900 ha cao su, diện tích cây cà phê gần 600 ha. 100% diện tích cây trồng được người dân áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Song song với thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển đối với người DTTS tại chỗ, xã cũng chú trọng thu hút đầu tư, tạo cơ chế cho các tổ chức, cá nhân đến khai thác các tiềm năng thế mạnh, phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Với sự hỗ trợ về con giống, kiến thức chăn nuôi, bà con nhân dân xã Ngọk Réo đã chịu khó đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng đàn trên 13.000 con theo hướng có chuồng trại cố định. Dần hình thành các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, hình thức sản xuất tập thể, tạo mối liên kết để người dân có thể trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất cũng như nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm của địa phương. Theo bà Phạm Thị Mây – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngọk Réo, đây là tiền đề, là động lực để đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc xã Ngọk Réo tiếp tục phát huy đoàn kết, tự lực tự cường để chung tay xây dựng xã sớm thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn và phấn đấu xây dựng xã ngày càng phát triển trong thời gian tới.

Từ vùng căn cứ bị tàn phá bởi đạn bom, xã Ngọk Réo đã nỗ lực vươn lên, xây dựng địa phương phát triển vững mạnh./.

CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *