(kontumtv.vn) – Năm 2015 sẽ là một năm thiên thời địa lợi đối với đời sống kinh doanh. Sự kết hợp giữa ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện vi mô, cộng với hội nhập bên ngoài sẽ tạo ra một sức sống mới cho nền kinh tế.

Đó là cảm nhận của TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương về sự phát triển kinh tế Việt Nam năm 2015. Ông đã có cuộc trao đổi với PV VietnamNet về những kỳ vọng cho năm mới.

Chưa yên tâm về sức khoẻ doanh nghiệp

Thưa ông, với lạm phát chỉ 1,84%, GDP ở mức 5,98%, ông nhìn nhận thế nào về thành công của năm 2014?

TS Nguyễn Đình Cung: Với tôi, thành công lớn nhất ở năm 2014 là đổi mới hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và các chính sách điều hành nền kinh tế đã có sự thuận theo thị trường, không phải là mệnh lệnh hành chính.

Với mức GDP 5,98%, nhiều người nói nền kinh tế đã phục hồi, nhưng tôi chỉ nói, tăng trưởng nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin thị trường đã được củng cố hơn.

Lạm phát đã ở mức thấp, kiểm soát ổn định thì chúng ta mới làm được nhiều việc căn cơ hơn, dài hơi hơn.

Ngược lại, điều gì làm ông chưa yên tâm ở nền kinh tế của năm cũ?

Điểm chưa thuận hiện nay là sức khoẻ của doanh nghiệp trong nước vẫn yếu. Các doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, đóng cửa, giải thể vẫn chưa có xu hướng ngừng lại.

Nguyễn-Đình-Cung, cải-cách, môi-trường-kinh-doanh, tái-cơ-cấu, đổi-mới, thể-chế, giá-dầu, dầu-thô, Luật-doanh-nghiệp, Luật-đầu-tư
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương

Tôi hi vọng sức lực của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ được cải thiện nhờ những cải cách thể chế đột phá có hiệu lực từ năm 2015, nhờ lãi suất huy động và cho vay giảm, chi phí vốn sẽ giảm, tín dụng cho nền kinh tế sẽ được gia tăng hơn. Giá dầu giảm giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng lợi nhuận, qua đó, cải thiện nội lực.

Cơ hội khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp

Thưa ông, sau những bước cải cách thể chế mạnh mẽ vừa qua, bước sang năm 2015, ông nhìn thấy có những cơ hội khác biệt nào?

Phải nói rằng, cải cách thể chế vừa qua đã thay đổi mạnh về chất, tác động tích cực trực tiếp tới môi trường kinh doanh và đời sống doanh nghiệp.

Từ năm 2015, khởi sự kinh doanh đã được đơn giản hoá giúp làm giảm rào cản gia nhập thị trường. Chúng ta đã đơn giản hoá nhiều thủ tục thành lập doanh nghiệp hay thủ tục đầu tư. Ví dụ như yêu cầu về giấy chứng nhận đầu tư các loại sẽ được bãi bỏ hoàn toàn đối với đầu tư trong nước.

Thứ hai là quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp được mở rộng thêm, được bảo đảm một cách chắc chắn hơn.

Luật Đầu tư sửa đổi đã quy định rõ cụ thể có 6 ngành cấm kinh doanh thì tức là, tất cả các ngành khác sẽ được tự do kinh doanh. Luật Doanh nghiệp sửa đổi không yêu cầu ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy chứng nhận doanh nghiệp.

Hai điểm cơ bản đó đã làm giảm chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; quan trọng hơn là sẽ giúp giảm rủi ro pháp lý đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tăng an toàn cho hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp sẽ được chủ động hơn trong việc đầu tư khai thác các tiềm năng và cơ hội kinh doanh.

Điểm mới nữa là bảo vệ quyền cổ đông của nhà đầu tư tốt hơn. Thứ hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư có thể sẽ tăng 100 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới.

Trong năm này, Nghị quyết 19 của Chính phủ đạt kết quả, đạt mục tiêu thì mức độ thuận lợi trong hoạt động kinh doanh tăng lên rõ rệt. Đó là các mục tiêu như giảm từ 872 giờ nộp thuế xuống còn 171 giờ, thời gian tiếp cận điện giảm, thời hạn thông quan từ 21 ngày chỉ còn 12 ngày…

Một điểm quan trọng khác là tinh thần khoan sức dân, khoan sức DN thể hiện rõ ở năm 2015. Chúng ta đã tăng ưu đãi trong thuế thu nhập DN, bỏ trần chi phí quảng cáo trong hoạt động kinh doanh, giảm mức độ phạt trong việc chậm nộp thuế. Những điểm sửa đổi như vậy sẽ tăng sức khoẻ của DN, tạo thuận lợi, niềm tin cho hoạt động kinh doanh.

Về đối ngoại có nhiều thuận lợi như Cộng kinh tế ASEAN được thành lập, các Hiệp định tự do thuế quan, FTA – Hàn Quốc, FTA -EU, TPP chuẩn bị ký kết và thực thi thì cơ hội kinh doanh với bên ngoài sẽ ngày càng được mở rộng ra.

Tóm lại, năm 2015 dường như thiên thời địa lợi đối với hoạt động kinh doanh. Sự kết hợp giữa ổn định kinh tế vĩ mô và cải thiện vi mô, cộng với hội nhập bên ngoài sẽ tạo ra một sức sống mới trong môi trường kinh doanh, tạo một động lực mới cho nền kinh tế, từ đó sẽ tạo ra bước thay đổi về chất trong tái cơ cấu kinh tế, tăng hiệu quả nguồn lực và tăng trưởng sẽ cao hơn.

Nguyễn-Đình-Cung, cải-cách, môi-trường-kinh-doanh, tái-cơ-cấu, đổi-mới, thể-chế, giá-dầu, dầu-thô, Luật-doanh-nghiệp, Luật-đầu-tư
Năm 2015 sẽ là một năm thiên thời địa lợi đối với đời sống kinh doanh.

Khoan sức dân nhân cơ hội giá dầu giảm

Thưa ông, việc giá dầu vẫn đang giảm liên tiếp những ngày qua liệu có ảnh hưởng lớn như thế nào tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô?

Giá dầu giảm cũng chính là một khác biệt lớn đầu tiên của năm 2015 so với năm 2014. Rõ ràng, đây là một cơ hội cho doanh nghiệp để tái cơ cấu hoạt động của mình. Khi dầu giảm, chi phí đầu vào giảm theo, giá tiêu dùng cũng giảm, nhu cầu tiêu dùng gia tăng thì đó là cơ hội để doanh nghiệp củng cố và cải thiện năng lực cạnh tranh.

Song, dù vậy, tất cả những điều này còn phụ thuộc vào phản ứng chính sách của Chính phủ. Nếu Chính phủ thuận theo thị trường, theo giá dầu thì sẽ tốt hơn. Cụ thể như việc không nên gia tăng thuế làm giảm tác động tích cực của giá dầu vào nền kinh tế. Nếu ngân sách thiếu thì cần tìm nguồn khác, cách khác để bù đắp.

Tôi tin rằng, chỉ tiêu GDP đạt 6,2% năm 2015 là nằm tầm tay.

Tuy nhiên, mới đây, GS Kenino Ohno Nhật Bản vẫn đánh giá Việt Nam đang có dấu hiệu bẫy thu nhập trung bình. Ông nghĩ sao?

Tôi rất chia sẻ với Giáo sư Ohno, vì để phục vụ tăng trưởng, vừa qua, chúng ta đã khai thác hết các lợi thế sẵn có, dư địa tăng trưởng theo chiều rộng đã gần đến tận khai, chưa tạo ra các lợi thế động, năng lực nội sinh của nền nền kinh tế.

Song, năm 2015, tôi nhìn thấy những động thái thay đổi mà không phải dựa vào những yếu tố khai thác yếu tố tăng trưởng theo chiều rộng. Tôi đã thấy những vận động vi mô hướng tới tính hiệu quả hơn trong phân bổ và sử dụng nguồn lực. Những tác nhân thị trường đã và đang phản ứng tích cực với sự thay đổi đó sẽ tạo động lực, thúc đẩy đầu tư và phát triển.

Nhưng, nếu có rơi vào bẫy rồi thì không có nghĩa là chúng ta không ra được. Những thay đổi như vậy sẽ tạo ra bước ngoặt mới trong xu thế tăng trưởng, Nhưng tôi nghĩ, sẽ còn nhiều thay đổi khác nữa mà đầu tiên là thay đổi tư duy.

Ông có lo ngại về xu thế hội nhập khi sức khoẻ doanh nghiệp Việt vẫn yếu, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế vẫn còn kém?

Chính những cải cách thể chế hiện nay sẽ tạo ra luật chơi cân bằng giữa trong nước và nước ngoài, để doanh nghiệp nhận thức được, có động lực tìm kiếm cơ hội trong hội nhập.

Vai trò truyền thông, hướng dẫn của Nhà nước là không thể thiếu, nhưng qua các kênh tác động của thị trường, cải cách truyền dẫn được tín hiệu của thị trường, tạo động lực, thúc đẩy doanh nghiệp phải phản ứng tích cực với xu thế hội nhập.

Sau cải cách là một thể chế có động lực, có năng lượng nội sinh, không phải là xin-cho. Trong đó, cạnh tranh công bằng, bình đẳng, mỗi người sẽ tự tìm kiếm cơ hội, phát huy sáng tạo của mình.

Đặc biệt, thể thể này phải có năng lực đổi mới, xử lý được những vấn đề phát sinh, không gò bò, không tư duy tròn như hòn bi lăn trong cái ống. Phải chấp nhận cái mới, khác biệt, đổi mới, sáng tạo.

Tôi ví dụ như câu chuyện Uber, đó là một loại hình kinh doanh mới, khi chưa có quy định thì chưa thể coi đó là vi phạm pháp luật. Nếu kết luận vi phạm theo cách quản lý cũ, sẽ không thực sự thúc đẩy sáng tạo.

Giờ, quản lý là hướng theo kết quả, không phải là mô tả các quy định. Chúng ta có hàng trăm cách để đạt được kết quả, nếu cứ tiếp tục quản lý nhà nước như hiện nay thì ta chỉ có 1 cách. Như vậy, nó sẽ không khuyến khích, không nuôi dưỡng, mà có thể triệt tiêu sáng tạo.

Trong khi nền kinh tế, nhất là nền kinh tế trong hội nhập toàn cầu, luôn đòi hỏi phải có sáng tạo. Khi khuyến khích, nuôi dưỡng đổi mới, sáng tạo, ý tưởng mới, cách làm mới, thì lúc đó mới có dư địa cho phát triển và áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. khoa học công nghệ mới trở thành động lực phát triển.

Chỉ có điều, với không ít cán bộ, công chức hiện nay, thay đổi tư duy lại là điều không dễ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Huyền(thực hiện)/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *