(kontumtv.vn) – Vượt qua khó khăn, trở ngại, từ con số không tròn trĩnh, vóc dáng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đang thay đổi từng ngày.

Khu kinh tế gắn với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum được thành lập cách đây 16 năm. Từ vùng đất ngã ba biên giới hoang vu ít người đặt chân tới, Bờ Y hôm nay dần dần phát huy được thế mạnh riêng, nơi “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe”.

Trong dòng người, xe cộ tấp nập ngược xuôi Xuân này, cảm nhận rõ Bờ Y đang chuyển mình, là điểm hẹn lạc quan với các nhà đầu tư để đúng như quyết tâm kỳ vọng tương lai không xa nơi này sẽ trở thành Khu kinh tế động lực trong tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia.

Được xác định là khu kinh tế động lực, trung tâm trong tam giác phát triển gồm 13 tỉnh của 3 nước Việt Nam- Lào- Campuchia, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum có tổng diện tích trên 70.000ha. Khẳng định quyết tâm biến vùng đất hoang vu nơi biên ải thành điểm đến của nhà đầu tư, chỉ trong 5 năm qua từ các nguồn vốn, tỉnh Kon Tum thực hiện 52 dự án với tổng vốn giải ngân hơn 1.400 tỷ đồng đầu tư cho các công trình hạ tầng thiết yếu, như giao thông, điện nước, khu kiểm soát cửa khẩu.

Bước ngoặt quan trọng của khu kinh tế này được tính từ thời điểm cặp cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum- Việt Nam) – Phu Cua (Attapu- Lào) hoàn thành, đồng thời đấu nối với hai tuyến giao thông huyết mạch của mỗi nước là đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 18B.

khu kinh te cua khau quoc te bo y - diem hen lac quan hinh 0
Người và phương tiện qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y ngày càng tăng

Thuận lợi về giao thông, lại ở vị trí cửa ngõ với hai nước bạn, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum được nhiều doanh nghiệp chọn làm bến đỗ, làm bàn đạp trong kế hoạch đầu tư sang 4 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia.

Ông Hồ Đắc Công Luận, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đắc Hưng- Gia Lai cho biết: “Đánh giá của doanh nghiệp Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y đây là vị trí vàng. Theo tôi nhìn nhận đây là địa điểm để tập kết hàng hóa, con người qua lại cửa khẩu để phát động công việc làm ăn bên Lào. Bản thân tôi đầu tư giấy phép Lào là 7 triệu USD từ năm 2007. Với những doanh nghiệp khác hiện nay 4 tỉnh: Chămpasắc, Sê kông, Salavan và Attapư với vốn đầu tư hiện đã tới 1,7 tỷ USD. Và đây là con đường độc đạo để về cảng Liên Chiểu- Đà Nẵng, Dung Quất- Quảng Ngãi và cảng Quy Nhơn để thông ra biển. Như vậy đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y là chiến lược mang tính hậu cần vững vàng cho sự phát triển thương mại”.

Vượt qua khó khăn, trở ngại cả khách quan lẫn chủ quan, từ con số không tròn trĩnh, vóc dáng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đang thay đổi từng ngày. Hết năm 2015, đã có 63 dự án đăng ký đầu tư vào Khu kinh tế này với tổng vốn đăng ký gần 2 nghìn tỷ đồng. Đáng kể có nhóm 47 dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh với trên 1.100 tỷ đồng; nhóm 8 dự án xây dựng cơ bản trên 500 tỷ đồng. Nhận thấy cơ hội đã tới, từ nửa cuối năm 2015, đồng loạt nhiều doanh nghiệp bắt đầu cụ thể hóa dự án trên thực địa.

Bà Đậu Thị Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Nhân Thành 10B cho biết, Công ty của bà đang đầu tư vào 3 dự án trong Khu kinh tế cửa khẩu với số vốn ban đầu là 80 tỷ đồng. “Chúng tôi hiện nay đã đầu tư kho ngoại quan và bãi tập kết kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu đã xong và đi vào hoạt động. Hiện tại thì chúng tôi đang đầu tư về khu thương mại cửa khẩu, trong đó có ki ốt bán hàng, rồi siêu thị miễn thuế, các nhà trưng bày sản phẩm, các nhà chờ để làm thủ tục hải quan, người qua xuất cảnh, nhập cảnh,” bà Hoàn nói.

Cùng với những tín hiệu rất lạc quan từ phía các nhà đầu tư, với vị trí cửa ngõ thuận lợi “sáng ăn ở Kon Tum, tối ăn ở Thái Lan”, Khu kinh tế gắn với cửa khẩu quốc tế Bờ Y đang dần khẳng định vị thế “bàn đạp” và “huyết mạch” trong hợp tác phát triển kinh tế, thương mại, giao lưu văn hóa, du lịch với nước bạn Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar.

Ông Huỳnh Đức Tiến, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: “Kon Tum là một trong những cửa ngõ để thu hút khách du lịch đường bộ của khối Asean qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Du lịch là một trong 12 lĩnh vực được ưu tiên, các nước Asean có thể tự do đi lại trong khối. Đây là một cơ hội rất lớn để cho tỉnh Kon Tum thu hút khách du lịch từ các nước Asean qua cửa ngõ quốc tế Bờ Y. Giao thông của Việt Nam từ cửa khẩu Bờ Y đến Kon Tum và từ Kon Tum đi các tỉnh Tây Nguyên rất thuận lợi. Các hãng lữ hành đánh giá rằng tuyến đường này hiện giờ rất tốt, rất thuận lợi cho du khách đến Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y”.

 Năm qua, tổng giá trị xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đạt trên 243 triệu USD. Đã có gần nửa triệu lượt người và hơn 58.500 phương tiện qua lại cửa khẩu. Các khoản thu thuế, phí, lệ phí của tỉnh Kon Tum đạt 285 tỷ đồng tăng so với năm trước. Thuận lợi trong giao thông cũng như trong hợp tác đầu tư giữa Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y với các tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Campuchia đang hình thành một thế hệ lao động đa quốc gia.

Ông Võ Cường, nhà ở phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: “Tôi sang Lào làm đến nay đã được 5 năm. Vấn đề qua lại cửa khẩu chúng tôi thấy có rất nhiều thuận lợi.”

khu kinh te cua khau quoc te bo y - diem hen lac quan hinh 1
Cơ sở hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y đang tiếp tục được đầu tư

Với dự báo đến năm 2020, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y sẽ đạt khoảng 1 tỷ đô- la, hành khách xuất nhập cảnh khoảng 1 triệu lượt người và thu ngân sách tại cửa khẩu đạt khoảng 1.000 tỷ đồng trên năm. Để không bỏ lỡ cơ hội, nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Kon Tum đang kiến nghị đề xuất thay đổi quy hoạch Khu kinh tế cho phù hợp hơn với thực tế kinh tế xã hội địa phương; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải; đổi mới phương thức quản lý, đầu tư và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.

Về đầu tư cơ sở hạ tầng cho Khu kinh tế, ông Vũ Mạnh Hải, Phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum cho biết: “Để thực hiện việc đầu tư hạ tầng có hiệu quả, Ban quản lý khu kinh tế tập trung vào những khu trung tâm, các khu trọng điểm có khả năng thu hút đầu tư sớm nhất. Tập trung vào chọn điểm trước các dự án quan trọng, các dự án thiết yếu, những dự án nằm vào các khu trung tâm, các khu lõi. Với nhu cầu vốn đầu tư lớn mà khả năng của ngân sách đang hạn chế, Ban quản lý có đề xuất tạo các nguồn đầu tư khác, như tạo quỹ đất tạo thêm nguồn vốn, xã hội hóa đầu tư, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng kinh tế và hạ tầng dịch vụ.”

Từ vùng đất ngã ba biên giới hoang vu ít người đặt chân tới, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y hôm nay đã tấp nập người, xe xuôi ngược. Đang chuyển mình cùng mùa Xuân đất nước, tin rằng tương lai không xa, nơi “một tiếng gà gáy 3 nước đều nghe” sẽ  trở thành Khu kinh tế động lực trong tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia đúng như quyết tâm và kỳ vọng./.

Khoa Điềm/VOV – Tây Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *