(kontumtv.vn) – Người chăn nuôi và cả ngành nông nghiệp cần thay đổi để thích ứng với đòi hỏi cao hơn của xã hội hiện đại, đồng thời liên kết để đủ sức cạnh tranh.

Trong khi người nuôi heo đang “bết bát” và loay hoay tìm hướng đi, thì Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cho rằng, dù thực trạng có đau xót, nhưng đây là bài học và là cơ hội để cả người chăn nuôi lẫn ngành chăn nuôi của tỉnh này phải cơ cấu, tổ chức lại sản xuất.

khung hoang gia heo la co hoi cai to nganh chan nuoi hinh 1
Người chăn nuôi buộc phải lựa chọn, tham gia chuỗi liên kết sản xuất – cung ứng khép kín, hiện đại hay sản xuất theo kiểu cũ, “mạnh ai nấy làm”

Xác định lại thị trường

Trong thời điểm thị trường Trung Quốc còn cho nhập heo theo đường tiểu ngạch, trung bình mỗi ngày Đồng Nai xuất sang thị trường này từ 3.000 đến 5.000 con, cao điểm có thể lên tới 7.000, thậm chí 10.000 con. Heo đi thị trường Trung Quốc lại bán được giá cao hơn trong nước.

Do đó, nhiều người chăn nuôi nhận định Trung Quốc là thị trường ổn định, bền vững và sinh lời cao hơn nên tập trung nuôi heo to trên 130kg, nhiều mỡ để xuất đi thay vì nuôi chỉ trên dưới 100 kg phục vụ trong nước. Tâm lý này cũng chính là nguyên nhân khiến heo “dội chuồng” ngay khi thị trường Trung Quốc ngừng nhập hàng mà hậu quả đã nhìn thấy.

Xác định lại thị trường là khuyến cáo mà Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đưa ra từ lâu, nhằm kêu gọi người chăn nuôi không quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Công cho biết: Những người chăn nuôi thấy rằng ngoài thị trường ảo, phải chú trọng tới thị trường thật, đặc biệt là thị trường tiêu dùng.

Phải tham gia chuỗi liên kết, sản xuất sạch

Trong khi nhiều ý kiến cho rằng, giá heo lâm vào khủng hoảng là do tổng đàn tăng quá cao, “cung” vượt xa “cầu”, thì ngành chức năng Đồng Nai khẳng định: nguồn cung chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Bằng chứng là các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, có chuỗi sản xuất – cung ứng khép kín vẫn tiếp tục đăng ký tăng đàn. Vấn đề nằm ở tâm lý xuất đi Trung Quốc lãi hơn và chất lượng sản phẩm.

Theo ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Đồng Nai, hiện nay, đa phần người chăn nuôi heo tại tỉnh này dù nuôi nhỏ lẻ dưới một trăm con hay nuôi với quy mô trang trại vài trăm cho tới vài ngàn con thì vẫn làm theo kiểu truyền thống, tức là tự sản xuất từ con giống, nuôi lớn cho tới bán ra thị trường qua thương lái. Cách làm này đang dần không còn phù hợp với yêu cầu của thị trường hiện đại vốn đòi hỏi nguồn thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn và rõ ràng nguồn gốc.

Hơn nữa cách nuôi – bán heo truyền thống còn khiến khâu trung gian khó kiểm soát mà thua thiệt chính là người chăn nuôi và người tiêu dùng. Điều nghịch lý là khi giá heo hơi tại chuồng chỉ 25.000 đồng/kg nhưng giá thịt heo ở chợ lại rất cao, trung bình là 80.000 đồng/kg. Ai được hưởng phần chênh lệch? Nghịch lý này sẽ chỉ được giải quyết nếu người chăn nuôi chấp nhận từ bỏ cách làm truyền thống, tham gia chuỗi liên kết, quy trình khép tín từ sản xuất cho tới cung ứng, đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh thú ý.

Đồng Nai hiện đã xây dựng được 23 tổ hợp tác sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGAP với 400 hộ chăn nuôi tham gia. Trong khủng hoảng giá heo, các tổ hợp tác này vẫn đều đặn xuất heo ra thị trường với giá cao hơn heo nuôi kiểu truyền thống. Nhiều doanh nghiệp cũng tỏ ý sẵn sàng bao tiêu sản phẩm nếu đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, con số 400 hộ chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết còn quá khiêm tốn so với tổng số hơn 14.000 hộ chăn nuôi heo tại Đồng Nai.

Đã đến lúc, người chăn nuôi và cả ngành nông nghiệp Đồng Nai cần phải thay đổi để thích ứng với những đòi hỏi cao hơn của xã hội hiện đại, đồng thời liên kết để đủ sức và bảo đảm thu nhập ổn định cho người chăn nuôi, cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia đang chen chân vào lĩnh vực chăn nuôi./.

Xuân Lượng/VOV-TP HCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *