(kontumtv.vn) – Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI về phát triển cây mắc ca, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thiện công tác rà soát nhu cầu của người dân và chuẩn bị triển khai trồng trong mùa mưa năm nay. Tại thành phố Kon Tum, hiện nay có 360 hộ dân đăng ký tham gia trồng với tổng diện tích khoảng 68 ha.

Xã Kroong, thành phố Kon Tum là một trong những địa phương thực hiện tốt việc vận động, hướng dẫn người dân tham gia trồng cây mắc ca. Xã hiện có 41 hộ đăng ký với tổng diện tích hơn 10 ha. Tất cả là người DTTS và đều đồng tình với việc chuyển đổi sang trồng loại cây mới này. Ông A Ten (thôn Krong Klah, xã Kroong, thành phố Kon Tum) nói: “Trước đây trồng cây bời lời, phát triển cũng được nhưng mà thu hoạch không được. Tại vì giá bấp bênh cho nên phá cây bời lời này để trồng cây mắc ca. Theo tình hình mới đây là cây mắc ca này là có giá”.

Ông Huỳnh Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Kroong, thành phố Kon Tum cho biết: “Địa phương cũng phối hợp tổ chức một buổi tham quan thực tế tại vườn cây mắc ca ở Đăk Tô. Qua tham quan thì hiệu quả kinh tế cao, bà con cũng rất là phấn khởi. Đối với vấn đề vốn thì địa phương thì cũng đã triển khai cho bà con định hướng qua các kênh tín chấp của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo, để bà con  được vay nguồn vốn với chế độ ưu đãi”.

Đối với chủ trương phát triển cây mắc ca, thành phố Kon Tum khuyến khích các hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng hình thức trồng thuần hoặc xen canh để cải tạo vườn tạp của gia đình.

Cây mắc ca khả năng thích nghi cao. Cây chịu hạn tốt và ít sâu bệnh. Sau 5 năm trồng, cây sẽ bắt đầu cho thu kinh doanh. Hiện giá hạt mắc ca tươi từ 70.000đ – 90.000đ/kg.

Trước đó, nhiều hộ gia đình đã tự bỏ vốn đầu tư và tìm đầu ra cho sản phẩm. Như anh Đoàn Vũ Tự (tổ dân phố 1, phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum) đã trồng hơn 3 ha cây mắc ca xen các loại cây ăn quả để lấy ngắn nuôi dài. Anh Đoàn Vũ Tự nói: “Thực ra thì đầu ra của mình thì rất là ổn định. Đặc biệt là lưu lượng hạt bây giờ để mà sản xuất, để mà thu mua thì cũng chưa đủ. Thế cho nên là mình nghĩ là nhu cầu để mình cung cấp cây mắc ca này, để giá trị kinh tế của nó này, với lại cái đầu ra của nó, cái hạt của nó thì mình nghĩ là cũng không sợ là thị trường không đáp ứng được”.

Đến tháng 6, trên địa bàn thành phố có 360 hộ dân đăng ký tham gia trồng cây mắc ca với tổng diện tích khoảng 68 ha. Tất cả các hộ là người DTTS thuộc các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và được hỗ trợ 100% về giống. Tổng số cây giống sẽ hỗ trợ trồng là hơn 15.000 cây. Trong đó, khoảng 9.700 cây giống được cấp để các hộ dân trồng thuần. Ông Phan Ngọc Định, Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: “Trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ thành phố đã đề ra mục tiêu là tỷ lệ đất sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công  nghệ cao và có chuỗi liên kết. Diện tích này không tính diện tích cây cao su thì phải đạt từ 10% trở lên. Để tạo ra những  sản phẩm có chất lượng, uy tín và hình thành đầu ra ổn định cho các sản phẩm trên địa bàn. Hiện nay thành phố đang triển khai hỗ trợ cây mắc ca cho nghèo, hộ cận nghèo là người ĐBDTTS trên địa bàn theo đề xuất của công ty TNHH MTV Mắc ca HQO”.

Thành phố Kon Tum hiện đang triển khai việc cung cấp giống cây mắc ca cho bà con DTTS tại 12 xã, phường vùng ven. Đồng thời đặt ra mục tiêu trong năm 2021, mỗi hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS đăng ký trồng từ 5 – 20 cây trong vườn nhà để cải tạo vườn tạp và cải thiện thu nhập sau này.

Hơ Jan – Duy Vỹ – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *