(kontumtv.vn) – Giới chuyên gia dự báo năm 2015 kinh tế thế giới vẫn chưa thể lạc quan, mặc dù kinh tế Mỹ và một số nước khác có khả quan.

Năm 2014 nhân loại đã chứng kiến bức tranh kinh tế toàn cầu với gam mầu xám giữ vai trò chủ đạo. Giới chuyên gia dự báo năm 2015 vẫn chưa thể lạc quan, mặc dù bức tranh có thể tăng thêm mầu sáng là nền kinh tế Mỹ và một số nước khác.

Điểm sáng vẫn còn yếu…

“Các yếu tố nền tảng tích cực đã xuất hiện để tạo đà cho nền kinh tế toàn cầu khởi sắc trong năm 2015”. Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế trưởng thuộc hãng nghiên cứu IHS – ông Nariman Behravesh. IHS cũng dự báo kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức 3% trong năm 2015.

Kinh tế số một thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn các nền kinh tế hàng đầu khác(Ảnh minh họa: KT)

Mặc dù sự phục hồi ngày càng rõ nét của nền kinh tế Mỹ chỉ đủ bù đắp cho sự suy giảm tăng trưởng và suy thoái kinh tế của các nước như Trung Quốc, EU, Nga, Nhật Bản, Argentina… Tuy nhiên, đây vẫn là điểm sáng nhất đáng ghi nhận của kinh tế thế giới khi bước sang năm mới-2015.

Theo các chuyên gia dự báo, nền kinh tế số một thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn các nền kinh tế hàng đầu khác nhờ nhu cầu thị trường nội địa mạnh lên, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng – lĩnh vực chiếm 70% GDP của Mỹ. Việc làm tăng khá mạnh, giá xăng giảm xuống mức thấp, đồng USD đang lấy lại vị thế là đồng tiền quốc tế, tình hình tài chính của các hộ gia đình được cải thiện…

IHS dự báo, nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 2,5-3% trong năm 2015, nhưng điều quan trọng hơn là nền kinh tế nước này với sự phục hồi vững chắc trong các năm tới, khiến kinh tế Mỹ sẽ trở lại ngôi vị đầu tàu và là động lực phát triển của nền kinh tế thế giới vốn đã bị các nước mới nổi thay thế từ hồi năm 2008, khi nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Góp mặt vào gam mầu sáng trong năm 2015, còn có cả một số nước ở các châu lục khác. Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribbean (ECLAC) các nền kinh tế Mỹ Latinh và Caribbean sẽ đạt tăng trưởng trung bình 2,2% trong năm 2015.

Khu vực Trung Mỹ và các nước Caribbean nói tiếng Tây Ban Nha sẽ tăng trưởng 4,1%; các nước Caribbean nói tiếng Anh tăng trưởng 2,2% và các nước Nam Mỹ tăng 1,8%. Panama sẽ là nước dẫn đầu với mức tăng 7%, tiếp đến là Bolivia 5,5%, Cộng hòa Dominican và Nicaragua (5%), Colombia (4,3%), Mexico (3,2%), Chile (3%).

Theo Ngân hàng Phát triển châu Phi (BAD) và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) kinh tế châu Phi sẽ tăng trưởng 5,7% năm 2015, do được thúc đẩy bởi nhu cầu nội địa, cơ sở hạ tầng, sản xuất và thương mại ngày càng gia tăng trên khắp lục địa.

Tại châu Á, Ấn Độ là nước lớn duy nhất có tín hiệu khả quan hơn, dự báo sẽ đạt mức 6,4% trong năm tài chính 2015-2016 do chính sách “Modinomics” của tân Thủ tướng Ấn Độ Nerandra Modi.

Papua New Guinea, hiện đang đứng đầu bảng xếp hạng khu vực với mức tăng trưởng 14,8%; tiếp sau là Macau với 10,6%; Đông Timor, Lào, Bhutan, Campuchia và Mông Cổ đạt mức 8%; Sri Lanka 7,1%; Philippines và Indonesia 6% – 6,4%; Bangladesh 5,8% và Pakistan 4,1%. Là các nước nhỏ nên sự đóng góp của các nền kinh tế nói trên vào GDP toàn cầu sẽ không lớn. Mầu xám vẫn bao trùm.

Sự phân hóa về tăng trưởng trong các nước mới nổi

Sự chững lại, suy giảm, suy thoái là các phạm trù được giới nghiên cứu và dự báo sử dụng để mô tả những gam mầu xám của năm 2015. Nền kinh tế các nước khu vực ASEAN đã thoát khọi sự chững lại, nhưng nhìn chung tăng trưởng vẫn còn rất chậm.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tuy vẫn có mức tăng trưởng cao, với sự hỗ trợ tiếp từ chính sách tiền tệ và tài khóa, nhưng vẫn không đủ để ngăn tốc độ sụt giảm tăng trưởng khá mạnh trong năm 2015 chỉ còn 6,5% so với mức tăng bình quân 10 năm trước đó (9% – 10%).

Nước Nga mặc dù đã có những biện pháp mạnh để bảo vệ đồng ruble và nền kinh tế, nhưng nước này vẫn sẽ suy thoái do hiệu ứng của lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau giữa phương Tây và Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Dầu thô chiếm 50% ngân sách của Nga tiếp tục giảm giá gây bất lợi cho nước này, đồng ruble mất giá ở mức cao nhất so với đồng USD tính từ đầu năm tới nay… khiến Tổng thống Putin phải thừa nhận kinh tế Nga đang gặp khó khăn và rơi vào suy thoái trong năm 2015.

Sự suy thoái mới của các nước phát triển:

Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cũng được dự báo năm 2015 tăng trưởng âm từ 0,7% đến 2,5%. Mặc dù Thủ tướng Shizo Abe và đảng LDP của ông đã thắng lớn tại cuộc bầu cử vừa qua, cùng với việc kéo dài lộ trình tăng thuế tiêu dùng 10% đến tháng 4/2017, BOJ tiếp tục tung ra gói kích thích kinh tế mới với 3.500 tỷ yen (29 tỷ USD) và giá dầu giảm kỷ lục dưới 60 USD/thùng có lợi cho kinh tế Nhật Bản.

Kinh tế EU là khu vực đáng quan ngại nhất vì đã cận kề suy thoái vào cuối năm 2014. Trong đó, khu vực Eurozone cũng được dự báo tăng trưởng ở mức 0,8% – 1,8% năm 2015, nếu tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp được cải thiện trong năm 2015 và các nước tận dụng tốt ưu thế của khu vực khi giá dầu giảm sâu, đồng euro yếu, để giảm bớt sức ép về tài khóa, nợ nước ngoài và thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ để kinh tế khu vực sớm phục hồi trở lại.

Hệ lụy của giá USD tăng và dầu giảm

Sau 43 năm thăng trầm của đồng USD, nhất là trong 6 năm trước nguy cơ sụp đổ của đồng tiềm có vị thế quốc tế này. Ngay sau ngày 30/10/2014, khi FED thông báo kết thúc gói QE3, chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng của Mỹ được duy trì kể từ năm 2008. Thị trường tài chính lập tức phản ứng mạnh mẽ, chỉ số USD Index (USDX) đo sức mạnh của đồng USD so với các đồng tiền tệ chính tăng liên tục từ 85.9770 lên mức 87.2870. Chỉ số USDX tính từ tháng 7 đã là 4 tháng liên tiếp có mức tăng đến 8,9%.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, chưa hẳn đã là điều tốt lành cho hệ thống tài chính quốc tế, nhiều chuyên gia lo ngại, hiện tượng trên có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng trong các nền kinh tế, nhất là các nền kinh tế mới nổi.

Theo giới quan sát, trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia, các doanh nghiệp và thậm chí cả các hộ gia đình hiện đã nợ tới 10.000 tỷ USD, trong đó các nền kinh tế mới nổi nợ khoảng 5.600 tỷ USD. Món nợ khổng lồ này có thể trở thành một nguy cơ thực sự, bởi vì các khoản vay này đều được tính bằng đồng USD. Mới đây, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã cảnh báo rằng sự tăng giá của đồng USD so với so các đồng tiền khác có thể tác động mạnh đến kinh tế toàn cầu.

Trong quá khứ, sự tăng giá của đồng USD đã gây ra các cuộc khủng hoảng tại các nền kinh tế mới nổi, điển hình là vào đầu những năm 1980, đồng USD mạnh đã khiến các quốc gia Nam Mỹ lâm vào rắc rối lớn và các “con hổ châu Á” cũng đã sụp đổ hàng loạt vào giữa những năm 1990.

Trung Quốc hiện vay nợ khoảng 1,1 nghìn tỷ USD, song nền kinh tế này có tấm “lá chắn” bằng gần 4.000 tỷ USD dự trữ; nước Nga có mức nợ nước ngoài 678 tỷ USD (bao gồm cả nhà nước và doanh nghiệp) nhưng chỉ với 420 tỷ USD dự trữ; Brazil nợ nước ngoài tới 468 tỷ USD nhưng cũng chỉ có 375 tỷ USD dự trữ. Theo thống kê của BIS, 63% nợ quốc tế hiện nay là bằng đồng USD, 19% bằng đồng euro, 8% bằng bảng Anh và 3% bằng đồng yen Nhật.

Giá dầu thô thế giới đã giảm xuống mức kỷ lục dưới 60 USD/thùng, trong nguồn cung vẫn không giảm cho đến tháng 6 năm 2015. Khiến tác động theo cả hai xu hướng vừa giám tiếp kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi cho các nền kinh tế vốn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu từ bên ngoài. Tuy nhiên cũng gây hệ lụy cho các nền kinh tế mà nguồn thu dựa chủ yếu vào xuất khẩu dầu mỏ, sự triệt tiêu lẫn nhau khiến cho nền kinh tế thế giới vẫn trong tình trạng dậm chân tại chỗ, chưa kể đến những bất ổn về an ninh toàn cầu làm cho mầu xám của nền kinh tế thế giới đậm nét hơn.

Như vậy, năm 2015 tuy những yếu tố cản trở tăng trưởng cũng đã giảm xuống đối với một số quốc gia, nhất là Mỹ, nhưng cũng xuất hiện nhiều yếu tố thuận – nghịch, trái ngược nhau, triệt tiêu lẫn nhau, cùng với các toan tính địa – chính trị của các thế lực trên thế giới đã làm cho kinh tế toàn cầu vẫn chưa thể lạc quan trong năm Ất Mùi – 2015./.

CTV Nguyễn Nhâm/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *