(kontumtv.vn) – Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có những cải tôt về thể chế, cấu trúc sản xuất và xuất khẩu liên quan đến khu vực tư nhân.

“Kinh tế năm 2015 thực sự là một điểm sáng khi GDP đạt 6,68% cao nhất giai đoạn 2011-2015, tuy nhiên nền tảng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện do vẫn nhập siêu”. Đây là nhận dịnh của nhiều đại biểu tại  Hội thảo “Kinh tế, xã hội Việt Nam năm 2015 cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập” được tổ chức sáng 13/1 tại Hà Nội.

Nhiều chuyên gia kinh tế tại Hội thảo cho rằng, hiện nước ta vẫn thiếu một số động lực cơ bản để vượt qua được vùng trũng suy giảm và đạt tăng trưởng bền vững do chất lượng tăng trưởng vẫn còn thấp, chưa có dấu hiệu cải thiện, tư duy về kinh tế nhà nước chưa có có sự thay đổi trong thực tế.

Khu vực FDI mặc dù đang là động lực tăng trưởng ngắn hạn  nhưng đóng góp vào tăng trưởng dài hạn còn rất hạn chế. Trong khi khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân chưa có nhiều cơ hội để phát triển…Thêm vào đó hiệu lực chính sách tiền tệ chưa cao, cơ chế điều hành tỷ gía đang tạo nhiều sức ép đến tỷ giá và nền kinh tế, thâm hụt ngân sách lớn và rủi ro nợ công đang gia tăng nhanh chóng.

kinh te viet nam: co hoi va thach thuc truoc them hoi nhap hinh 0
Hội thảo “Kinh tế, xã hội Việt Nam năm 2015 cơ hội và thách thức trước thềm hội nhập”thu hút đông đảo chuyên gia kinh tế và các nhà khoa học.

PGS.TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2015 của đất nước thực sự là một điểm sáng, là kết quả tốt so với thế giới và khu vực, tuy nhiên chất lượng tăng trưởng chưa bền vững.

“Chất lượng tăng trưởng của Việt Nam vẫn còn kém, năng suất lao động, công nghệ chưa cải thiện nhiều. Hiện Việt Nam vẫn dựa vào khu vực FDI- khu vực đầu tàu tăng trưởng trong năm 2015 và những năm trước. Tuy nhiên khu vực FDI vẫn chưa có đóng góp bền vững, chưa lớn về mặt công nghệ và ảnh hưởng đến đầu tư trong dài hạn. Tư duy kinh tế vẫn chưa có cải cách mạnh mẽ, khi kinh tế năm 2015 nhập siêu quay trở lại và thể hiện nền tảng kinh tế chưa có cải thiện đáng kể trong những năm qua”, PGS.TS. Tô Trung Thành chỉ rõ.

Năm 2016, nhiều hiệp định song phương và đa phương đã được thực thi và ký kết sẽ là điều kiện thuận lợi để đất nước hội nhập, mở rộng được thị trường hàng hóa dịch vụ, cũng như thu hút thêm được vốn đầu tư nước ngoài…

Tuy nhiên, kèm theo đó là những thách thức về giảm thu ngân sách từ thuế nhập khẩu, sức ép cạnh tranh, sức ép về cải cách thể chế…Do đó, Việt Nam cần có những cải tổ về bản chất của nền kinh tế liên quan đến khu vực tư nhân về thể chế, cấu trúc sản xuất và xuất khẩu.

GS.TS. Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, nền kinh tế cũng đã xuất hiện những khó khăn mới của thời cơ mới hội nhập. Nếu không có những cải cách quyết liệt, sẽ không tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, nhất là trong một vài năm tiếp theo sẽ có những khó khăn cực lớn đối với nền kinh tế và đất nước chúng ta.

“Nhà nước cần có những chính sách quyết liệt, điều hành chỉnh đổi chính sách để việc đổi mới được mạnh mẽ hơn nữa thích ứng với thời kỳ hội nhập của đất nước”, GS.TS. Nguyễn Quang Thái đề xuất.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, quá trình hội nhập sẽ tác động đến lĩnh vực tài chính. Khi đó cơ chế điều hành tỷ giá và lãi suất sẽ luôn có sức ép nếu không có thay đổi về chính sách ở trong nước. Vì vậy cần điều hành tỷ giá linh hoạt, hợp lý hơn, giảm thâm hụt ngân sách, giảm nợ công./.

Nguyễn Hằng/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *