(kontumtv.vn) – Thường trực Chính phủ vừa yêu cầu rà soát bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết nhằm huy động tối đa nguồn lực và cắt giảm, rút gọn các thủ tục đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao (350 km/giờ) trên trục Bắc – Nam.
Tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao – Thời cơ và thách thức” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 29/10, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề về các cơ chế đặc thù, nhất là về huy động nguồn lực và quy trình thủ tục, chính sách… thực hiện dự án.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy, Dự án Đường sắt tốc độ cao (350 km/giờ) trên trục Bắc – Nam là dự án có quy mô đặc biệt lớn, có công nghệ mới và lần đầu tiên triển khai tại nước ta. Trên cơ sở tham vấn chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, Bộ Giao thông vận tải chủ động xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã được Chính phủ thông qua thống nhất trình Quốc hội; trong đó, có 19 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và 5 cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền Chính phủ phê duyệt.
Các cơ chế, chính sách tập trung vào 5 nhóm vấn đề về: đảm bảo tính khả thi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện để bảo đảm quá trình đầu tư thành công; đảm bảo huy động đủ nguồn lực, linh hoạt; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền đi đôi với kiểm tra giám sát; đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ thực hiện mà còn vận hành, khai thác, sửa chữa, bảo trì thiết bị, kết cầu hạ tầng, không phụ thuộc suốt vòng đời dự án; cuối cùng là phát triển công nghiệp đường sắt tiến tới làm chủ công nghệ.
Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp trong nước đề xuất cần có chính sách ưu tiên trong việc tham gia vào Dự án Đường sắt tốc độ cao (350 km/giờ) trên trục Bắc – Nam, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh: Tại Tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội những ngày tới đây đã đưa ra cơ chế, chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao.
Theo đó, các doanh nghiệp này phải ràng buộc các điều kiện như: tổng thầu phải sử dụng dịch vụ, hàng hóa trong nước sản xuất, đây là điều kiện tiên quyết với các nhà thầu khi tham gia. Hay các chính sách trình Quốc hội về việc giao nhiệm vụ cho doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, hoặc đặt hàng doanh nghiệp trong nước các hạng mục, hàng hóa trong nước có thể sản xuất được như luyện kim, sản xuất thép, là tiền đề sản xuất đầu máy toa xe, không chỉ cho đường sắt tốc độ cao mà tiến tới là đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù kể trên nhằm bảo đảm mục tiêu chất lượng, tiến độ và mức độ an toàn công trình, làm sao triển khai dự án nhanh nhất và hiệu quả nhất. Trong quá trình triển khai sau này, cần thêm cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, có thể tiếp tục đề xuất, thuộc thẩm quyền cấp nào trình cấp đó, từ đó dành ưu tiên cao nhất cho việc triển khai dự án”.
Về phía Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy viên Thường trực Phan Đức Hiếu nhấn mạnh: Cơ chế, chính sách là rất cần thiết và dự án này không thể thành công, triển khai đúng tiến độ nếu thiếu cơ chế, chính sách đặc thù, nhưng cái này khó vì chưa có tiền lệ. Việc xác định bao nhiều nhóm cơ chế chính sách hay cơ chế chính sách như thế nào… vẫn là thách thức.
Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất, trong các nhóm cơ chế này, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tính đến các cơ chế linh hoạt. Bởi, trong quá trình triển khai phát sinh vấn đề, nếu áp dụng quy trình tuần tự có thể không đủ linh hoạt, nên cần cơ chế giải quyết nhanh các vấn đề.
Trong thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc vừa qua đã nêu: Về các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, Thường trực Chính phủ yêu cầu cần phải rà soát bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù cần thiết nhằm huy động tối đa nguồn lực và cắt giảm, rút gọn các thủ tục đầu tư dự án; bổ sung kiến nghị Quốc hội cho phép: “đối với những cơ chế chính sách phát sinh sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, trường hợp chính sách phát sinh trong quá trình thực hiện thuộc thẩm quyền của Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và trường hợp thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ quyết định; các cơ quan báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.
Về phân cấp, phân quyền, Bộ Giao thông vận tải bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương nhằm huy động nguồn lực của cả hệ thống chính trị, đóng góp của các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực thực hiện dự án và xây dựng các ga dừng, đỗ.