(kontumtv.vn) – Hiện nay, nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhiều bà con người DTTS đã mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, biết phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tìm hướng đi mới trong lao động sản xuất, tiến tới khởi nghiệp. Từ đó, xoá bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại để không chỉ xoá đói giảm nghèo, giảm nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu.

Xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông có lòng hồ thủy điện Thượng Kon Tum. Tận dụng khu vực lòng hồ có nguồn thủy sản tự nhiên phong phú và được xác định phù hợp để phát triển nuôi thủy sản, anh Lô Văn Toàn cùng với một số người dân ở thôn Vi Ring, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông đã có ý tưởng nuôi cá trên lòng hồ. Cùng với sự hỗ trợ ban đầu của chính quyền địa phương về nguồn cá giống, hỗ trợ xây dựng lồng bè, sau hơn 2 năm, ý tưởng khởi nghiệp của anh Toàn đã dần thành hình và đang được tiếp tục mở rộng. Anh Toàn phấn khởi nói: “Trong thời gian qua, nuôi thì cũng thu được một lứa cá rô rồi, cũng đạt doanh thu số vốn nho nhỏ. Giờ cũng đang tiếp tục nuôi và cũng đang cố gắng phát triển thêm. Với lại lúc trước thì có Tổ làm cùng được 7 thành viên, giờ cũng đang thành lập thêm HTX mới. Mình vừa nuôi cá mình, vừa kết hợp khai thác du lịch và đón khách, phát triển thêm mấy cái dịch vụ ăn uống ở trên lòng hồ để thêm nguồn vốn.”

Với anh A Diêu ở Thôn Tu Rằng, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, từ nguồn vốn vay 30 triệu đồng của NHCSXH, từ những năm 2000, anh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi trâu bò, phát triển mô hình đa canh đa con trồng cà phê, cây dược liệu để lấy ngắn nuôi dài, mang lại thu nhập bền vững. Sau khi thoát nghèo, anh tiếp tục tái đầu tư chăn nuôi cá cũng như liên tục chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh theo nhu cầu của thị trường. Cụ thể là đầu tư kinh doanh dịch vụ vận tải máy xúc, máy ủi, xe tải chở hàng. Hiện nay, mức thu nhập của anh hơn 2 tỷ đồng mỗi năm từ các mô hình kinh tế sản xuất trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ vận tải.

Không chỉ thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, những nét văn hoá truyền thống ẩm thực độc đáo cũng được bà con vùng DTTS phát triển thành những sản phẩm OCOP của địa phương. Như chị Y Thơi, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng lúa nếp than và sản xuất rượu cần nếp cẩm xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy. Từ ý tưởng sản xuất rượu cần truyền thống của mình, chị và các thành viên trong Tổ đã được hỗ trợ nguồn vốn 100 triệu đồng thông qua kênh của Hội LHPN tỉnh để khởi nghiệp. Nhờ đó, tạo điều kiện và cơ hội để các chị em có thể tạo ra các sản phẩm đặc trưng dựa trên thế mạnh, tiềm năng của địa phương và từng bước hình thành kinh tế tập thể. Chị Y Thơi cho hay: “Thì bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2018, tôi cùng với 10 thành viên nữa. Mỗi thành viên đều có trách nhiệm mở rộng diện tích trồng lúa nếp than. Hàng năm thì tôi cũng thu mua lại nguyên liệu của họ làm ra. Hiện tại sản phẩm của Tổ hợp tác của chúng tôi đã được tỉnh cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.”

Ông U Minh Nam, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, để tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân tự nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ngoài việc lồng ghép các chương trình, dự án của Trung ương và chính sách đặc thù của tỉnh để triển khai thực hiện, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1719 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025. Trong đó có Dự án thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng DTTS và miền núi. Ông U Minh Nam cho biết thêm: “Mục đích của hoạt động thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng ĐBDTTS nhằm, thứ nhất là nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khởi nghiệp trong phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh; thứ hai, thúc đẩy phong trào và tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong ĐBDTTS dựa trên những tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương; thứ ba, bước đầu tạo lập môi trường thuận lợi để các tổ chức, cá nhân có những ý tưởng khởi nghiệp để được hỗ trợ, tư vấn để khởi nghiệp; thứ tư là hỗ trợ thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong ĐBDTTS. Góp phần thực hiện đạt được mục tiêu hỗ trợ chương trình khởi nghiệp của tỉnh Kon Tum trong giai đoạn 2021-2025.”

Tỉnh Kon Tum hiện có khoảng 10.600 hộ dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, có hơn 2.600 hộ là người DTTS. Do đó, có thể nói, những ý tưởng, dự án khởi nghiệp của người DTTS trong thời gian qua đã và đang đóng góp tích cực trong việc thay đổi tư duy, nhận thức, nếp nghĩ cách làm của người dân trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt là trong công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh Kon Tum. Đây được xem là hướng tiếp cận mới để giảm nghèo và phát triển bền vững tại những khu vực này. Do vậy, thời gian tới hoạt động khởi nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo sự thay đổi lớn trong lao động sản xuất của bà con người DTTS, góp phần giảm nghèo bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn với phát huy tiềm năng, thế mạnh và bản sắc văn hoá của địa phương. Qua đó, tạo ra nhiều việc làm cho cộng đồng và xã hội để hộ người DTTS trên địa bàn tỉnh có thể vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình cũng như xây dựng tỉnh Kon Tum ngày thêm phát triển./.

Hơ Jan – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *