(kontumtv.vn) – Với tiềm năng to lớn về phát triển điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, khoảng 2 năm trở lại đây, tỉnh Kon Tum đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Tại huyện Đăk Glei, dự án điện gió đã được đầu tư với diện tích mặt đất sử dụng hơn 24 hecta, quy mô dự án là 50 MW. Hiện dự án đã cơ bản hoàn thiện. Tuy nhiên, tại các thôn, làng có dự án đi qua đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng về diện tích đất canh tác sau mỗi trận mưa lớn.

Dự án Nhà máy điện gió Tân Tấn Nhật được xây dựng ở xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei, các tuabin xây dựng ở trên cao, trong khi ruộng lúa của người dân canh tác ở dưới thấp. Vì vậy, sau mỗi đợt mưa, ruộng lúa, đất sản xuất của người dân bị vùi lấp, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất và đời sống của người dân.

Năm 2018, khi mới lập gia đình, anh A Mến ở thôn Lanh Tôn, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei được bố mẹ cho thửa ruộng với diện tích hơn 1.100m² để canh tác. Thế nhưng, kể từ khi xây dựng công trình điện gió, hễ trời mưa lớn là đất đá từ trên cao trôi xuống bồi lấp ruộng lúa, dẫn đến 2 năm qua, gia đình anh không thể canh tác trên mảnh đất này. Anh A Mến cho biết: “Thời điểm trước đó gia đình tôi canh tác một năm hai vụ lúa nước, với diện tích 1 sào mỗi một vụ mùa gia đình tôi thu được khoảng 7 8 tạ thóc. Từ khi có điện gió, gia đình nhà tôi không canh tác được gì, coi như bỏ hoang vì lượng đất đá rơi từ trên xuống lấp hết toàn bộ.

Sau nhiều lần kiến nghị, đến tháng 10/2022, gia đình anh Mến được bồi thường số tiền 32 triệu đồng, bao gồm tiền 2 năm mất mùa và tiền cải tạo ruộng lúa. Với số tiền bồi thường này, đầu tháng 11/2022, anh Mến thuê máy móc vào cải tạo đất ruộng nhưng do lượng đất đá bồi lấp quá lớn nên không thể lấy hết được số đất đã bị vùi lấp xuống ruộng. Trong ruộng lúa lượng đất đỏ bazan và bột đá cấp phối vẫn còn nhiều, để canh tác lại, có lẽ gia đình anh Mến cần một thời gian dài để cải tạo đất.

Không riêng gì gia đình anh Mến, nhiều hộ gia đình có đất canh tác ở xã Đăk Môn cũng chịu cảnh tương tự. Ông A Biêng ở thôn Nú Kon cho hay: “Ruộng nhà tôi phần lớn bị đất đỏ nó trôi vào lúa không thể lên nổi, dần dần bị héo đi rồi chết. Khi mưa lớn là đất đỏ chảy vào ruộng nhà tôi khoảng 2 sào. Ngày xưa mưa chỉ nước tràn về nhưng từ khi xây dựng điện gió nước chảy về kèm theo đất đỏ chảy vào ruộng.”

Diện tích đất sản xuất của gia đình anh A Tiên ở thị trấn Đăk Glei cũng bị ảnh hưởng không nhỏ: “Đất nhà tôi bị lở cũng nhiều. Đất nhà tôi trồng cây thông lở đất thì ảnh hưởng đến cây cối hoa màu, diện tích của tôi khoảng tầm 1 hecta. Bị lở đất khoảng từ tầm tháng 4 đến giờ. Diện tích đất của tôi ở trên sát đường bên kia. Từ khi xây dựng điện gió nó mới bị sạt lở như vậy. Mình ý kiến nhưng quản lý ở đây họ trốn tránh trách nhiệm nên cũng khó. Họ đi xem xét này kia lên coi rẫy cũng coi cho có thôi rồi đi về .Trước kia có người cũng đến coi rẫy nhà tôi rồi nhưng họ đi về.”

Bên cạnh việc bồi thường chưa thỏa đáng, điều mà người dân xã Đăk Môn lo ngại nhất là nguy cơ sạt lở đất, lũ ống và lũ quét. Bởi hầu hết dự án điện gió đều xẻ núi, mở đường thi công, đào múc đất lắp trụ móng tua bin trên núi cao, trong khi đó khu dân cư và diện tích đất sản xuất của bà con chủ yếu ở dưới chân núi, nguy cơ sạt lở đất là rất lớn. Người dân mong muốn ngành chức năng rà soát, đề nghị chủ đầu tư thực hiện nghiêm đề án đánh giá tác động môi trường; đồng thời phải xây dựng được kế hoạch phòng, chống thiên tai, sạt lở đất khi có sự cố xảy ra./.

Hoàng Lợi – Duy Vĩ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *